Lệnh cấm vận của Liên minh châu Âu đối với dầu lửa của Iran đã đi vào hiệu lực hôm Chủ nhật vừa qua. Hành động này có thể khiến cho Tehran thêm nổi giận khi mà biện pháp trừng phạt này sẽ tác động không nhỏ tới các cuộc đàm phán về vấn đề hạt nhân của nước này.

Bộ trưởng Dầu lửa Rostam Qasemi tìm cách hạ thấp tầm ảnh hưởng của lệnh cấm vận này và coi đây chỉ là động thái mới nhất trong số các lệnh trừng phạt vô ích trong nhiều năm qua.

Lãnh đạo Iran kiên trì rằng họ sẽ tiếp tục chương trình hạt nhân của mình bất kể lệnh cấm của phương Tây và các lệnh cấm khác do Hội đồng Bảo an LHQ ban hành.

Nhưng Nhà Trắng lại hoan nghênh việc EU thực thi lệnh cấm vận này, và gọi đây là "một phần thiết yếu" trong phản ứng của quốc tế đối với chương trình hạt nhân của Tehran.

"Hành động này là một phần thiết yếu trong các nỗ lực ngoại giao nhất quán để cho Iran thấy một lựa chọn rõ ràng giữa việc bị cô lập hoặc thực thi các giao ước" - Thư ký báo chí Jay Carney của Tổng thống Obama nói.

"Với quyết định này, các đối tác của chúng tôi tại Liên minh châu Âu đã nhấn mạnh vào tính chất nghiêm trọng mà cộng đồng quốc tế nhìn thấy trong đó là thách thức từ tham vọng hạt nhân của Iran" - ông Carney nói thêm.

Giới quan sát thị trường dầu mỏ và các nhà phân tích cho rằng lệnh cấn vận này cùng với các lệnh trừng phạt tài chính của Mỹ đang phá hủy nguồn xuất khẩu dầu mỏ của Iran vốn chiếm hơn một nửa thu nhập cho chính phủ nước này.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IAEA) cho biết xuất khẩu dầu thô của Iran trong tháng Năm có vẻ như đã giảm xuống còn 1,5 triệu thùng dầu mỗi ngày do thị trường phải tuân thủ lệnh cấm vận.

Mức này thấp hơn rất nhiều so với con số 2,1-2,2 triệu thùng/ngày mà Iran khẳng định là họ vẫn đang tiếp tục bán cho nước ngoài.

"Các lệnh trừng phạt không hề ảnh hưởng lên Iran và sẽ chẳng ảnh hưởng gì hết" - hãng thông tấn ISNA trích lời ông Qasemi phát biểu hôm Chủ nhật.

"Tôi không hề thấy có vấn đề gì từ việc các kẻ thù của chúng tôi bắt đầu tiến hành trừng phạt ngày hôm nay (Chủ nhật), các lệnh trừng phạt này có từ rất nhiều năm nay và chẳng có chuyện gì xảy ra, một lệnh trừng phạt mới chẳng nói lên điều gì" - ông Qasemi nói.

Ông Qasemi và các quan chức khác thừa nhận rằng lệnh cấm vận "phi lý" này đã làm giảm sản lượng dầu xuất khẩu của Iran sang các quốc gia châu Âu, nhưng họ nói thêm rằng các quốc gia khác vẫn đang muốn mua dầu của Tehran.

Các lệnh trừng phạt này là một phần trong cách tiếp cận "củ cà rốt và cây gậy" song song với các cuộc đàm phán liên tục giữa Iran và nhóm "P5+1" bao gồm các thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ và Đức.

Lê Thu (theo CNA)