Các nhà lập pháp của Iran đã soạn thảo một dự luật mà trong đó có thể cho phép đóng cửa eo biển Hormuz đối với các tàu chở dầu đi đến các quốc gia ủng hộ các lệnh trừng phạt nhằm vào Cộng hòa Hồi giáo Iran.

Iran tập trận trên eo biển Hormuz
"Có một dự luật do ủy ban Chính sách Đối ngoại và An ninh Quốc gia của Quốc hội đã soạn thảo, nhấn mạnh việc ngăn các tàu chở dầu tới các quốc gia đã trừng phạt Iran" - Nghị sĩ Iran Ibrahim Agha-Mohammadi nói với các phóng viên.

"Luật này là một lời đáp lại các lệnh trừng phạt dầu lửa của Liên minh châu Âu nhằm vào Cộng hòa Hồi giáo Iran".

Ông Ibrahim Agha-Mohammadi nói thêm rằng 100 trong số 290 thành viên của Quốc hội đã ký vào dự luật này hôm Chủ nhật vừa qua.

Iran đã từng đe dọa đóng cửa eo biển vốn là nơi trung chuyển 17 triệu thùng dầu mỗi ngày trong năm 2011. Những lời đe dọa này càng dồn dập hơn trong năm qua khi Mỹ và EU áp dụng các biện pháp trừng phạt Tehran xung quanh chương trình hạt nhân gây tranh cãi của mình.

Eo biển Hormuz là một tuyến đường thủy có tầm quan trọng sống còn đối với việc chuyên chở hầu hết lượng dầu thô xuất khẩu của Ả Rập Xê Út, Các Tiểu vương quốc Ả Rập, Cô-Oét và Iraq, và gần như toàn bộ lượng khí đốt từ Qatar.

Một lệnh cấm của EU đối với việc nhập khẩu dầu của Iran cũng bắt đầu có hiệu lực từ hôm Chủ nhật vừa qua.

Nhà báo điều tra kiêm nhà sử học Gareth Porter tin rằng việc đưa luật này ra nghị viện là một trong hàng loạt các hành động mà Iran có thể tiến hành nhằm cản trở việc chở dầu qua eo biển Hormuz, và khiến cho giá dầu có thể tăng vọt.

"Điều mà chúng ta có thể thấy trong các tuần và tháng tới đây chính là việc người Iran sẽ có một loạt các động thái, trong đó bước đầu là luật này ở Majlis, đe dọa thông qua luật; và nếu như không có vấn đề gì thì luật này chắc chắn sẽ được thông qua" - ông Porter nói.

"Sau đó, động thái đầu tiên (của Iran) nhằm đe dọa sẽ là đặt thủy lôi ở khu vực eo biển nhằm ngăn các tàu chở dầu đi qua. Tôi nghĩ rằng Iran có phương án sử dụng thủy lôi rất hạn chế, với một lượng rất ít thủy lôi được thả ở eo biển này nhằm làm cho giá dầu tăng lên, và buộc Mỹ phải có động thái phản ứng".

Trước đó vài tháng, khi Iran đe dọa đóng cửa eo biển Hormuz, Mỹ và Anh đã điều thêm tàu chiến và cả hàng không mẫu hạm tới khu vực lân cận vùng biển này, khiến căng thẳng dâng cao.

  • Lê Thu (theo RT)

Ngoại giao tàu chiến Mỹ nhằm vào Iran
Washington đang lên kế hoạch triển khai thêm nhiều tàu chiến, tàu ngầm và máy bay lên thẳng tới vùng Vịnh cho dù họ đã có các hàng không mẫu hạm đóng tại khu vực này. </div>
 
Iran - Ngoại giao chạy đua với súng ống
Sức ép và nỗ lực ngoại giao vẫn đang được dùng với Iran trong khi cả Iran và phương Tây đều tính tới khả năng một cuộc chiến sẽ bùng phát.