- Mới đây, Timor Lester và Papua New Guinea đã nộp đơn xin gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Tuy nhiên, khả năng ASEAN có thêm thành viên mới vẫn là điều chưa thể trong tương lai gần.

Một phụ nữ đứng trước nhà thờ Hồi giáo An-Nur - nhà thờ lớn nhất tại Timor Lester. Nguồn: Flick
Timor Lester là quốc gia duy nhất còn lại trong khu vực Đông Nam Á chưa gia nhập ASEAN.

Việc xem xét tư cách thành viên của Timor Lester có thể sẽ mất nhiều thời gian hơn so với các quốc gia trước đó từng gia nhập ASEAN như là Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar.

Không giống như EU vốn vận hành dựa trên số lượng phiếu bầu, ASEAN đưa ra quyết định dựa trên nguyên tắc “đồng thuận chung”. Tuy nhiên, về vấn đề gia nhập tổ chức của Timor Lester, một sự đồng thuận như vậy vẫn chưa thể có.

Indonesia và Thái Lan là hai quốc gia ủng hộ mạnh mẽ nhất việc Timor Lester trở thành thành viên thứ 11 của ASEAN.

Quan hệ Timor Lester và Indonesia có cơ sở từ lịch sử do Timor Lester tách ra từ Indonesia. Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa cho rằng việc để cho Timor Lester đứng bên ngoài ASEAN mãi như vậy sẽ là “trái với tự nhiên về mặt kinh tế” và “gây bất ổn về mặt chính trị” cho cả khu vực trong tương lai lâu dài.

Còn Thái Lan là một trong những quốc gia đầu tiên ủng hộ Timor Lester độc lập và thiết lập quan hệ ngoại giao với nước này từ năm 2002.

Đặc biệt, Indonesia muốn Timor Lester sẽ gia nhập ASEAN trước năm 2015.

Tháng Sáu vừa qua, một nhóm công tác đã được thành lập để đánh giá các nỗ lực mà Timor Lester thực thi để gia nhập ASEAN.

Theo tuyên bố ASEAN năm 1967, các điều kiện duy nhất cho việc “tham gia” vào hiệp hội này là quốc  gia muốn gia nhập có vị trí địa lý thuộc khu vực Đông Nam Á, và tuân thủ các mục tiêu, nguyên tắc và đề nghị như đã tuyên bố khi trở thành thành viên ASEAN.

Hiện nay, ban Thư ký ASEAN cho rằng Timor Lester vẫn chưa có đủ nguồn lực con người hoặc số quan chức cần thiết có thể nói được tiếng Anh để tham gia vào hàng nghìn cuộc gặp của ASEAN mỗi năm, khoảng 50% trong số các cuộc gặp này đều cần tới các chuyên gia kinh tế.

Một số quốc gia khác chưa công bố quán điểm chính thức của mình, nhưng nguồn tin không chính thức cho rằng Singapore và Malaysia không đồng ý với việc này, vì cho rằng kinh tế của Timor Lester chưa đáp ứng được các yêu cầu để tham gia vào Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào năm 2015 tới đây.

Có nhiều giả thiết khác nhau về việc Singapore phản đối nỗ lực của Timor Lester.

Trước tiên, Singapore có thể lo ngại về mối quan hệ đặc biệt giữa Timor Lester và Indonesia, và sợ rằng quốc gia non trẻ này sẽ trở thành một ‘cánh tay’ của Indonesia. Tuy nhiên, giả thiết này chưa đủ sức thuyết phục khi mà giờ đây, Indonesia vẫn được nhiều người coi là một trong số các quốc gia có tầm ảnh hưởng nhất trong ASEAN.

Giả thiết thứ hai có thể là một nghị trình kinh tế mà họ muốn giữ kín nhưng lại có liên quan tới Timor Lester. Giả thiết này đang được cho là khả thi hơn khi mà Singapore là nước có truyền thống tính toán mọi việc kỹ lưỡng về mặt kinh tế.

Timor Lester có trữ lượng dầu và khí đốt dồi dào và nếu như gia nhập ASEAN, Dili có thể trở thành nguồn cung cấp tài nguyên quan trọng cho ASEAN. Trong khi đó, Singapore đang có vị trí trung tâm và chiến lược trong vấn đề năng lượng sau khi chuẩn giá dầu được thiết lập theo giá Platts ở Singapore (còn gọi là MOPS).

Thêm vào đó, thông qua Công ty Dầu lửa Singapore (SPC), Singapore tham gia vào hoạt động khai thác và kinh doanh sản phẩm dầu và có khả năng lọc dầu lên tới 1,5 triệu thùng/ngày. Do đó, Singapore cần phải duy trì vị thế của mình trong khu vực với tư cách là trung tâm lọc dầu của khu vực và là nơi lập chuẩn giá dầu.

Nhưng trên thực tế, việc khai thác dầu ở Timor Leste lại do các công ty Australia thống trị và hầu hết số dầu tinh lọc đều được tiến hành tại Australia. Do đó, điều này thật sự rắc rối nếu như có một quốc gia là thành viên của ASEAN nhưng lại không phụ thuộc vào vai trò trung tâm khu vực về dầu lửa của Singapore.

Tuy nhiên, nói là ‘tương lai xa’ nhưng không có nghĩa là Timor Lester sẽ cứ đứng ngoài ASEAN mãi. Một thực tế nảy sinh khiến cho một số quốc gia trong hiệp hội phải cân nhắc tới việc kết nạp quốc gia mới – đó là sự xuất hiện của người Trung Quốc tại Dili ngày một nhiều hơn tại Dili những năm gần đây.

Hàng ngàn thương nhân người Trung Quốc đã đổ bộ vào Timor Lester. Và tại Dili, dinh Tổng thống, Bộ Ngoại giao của Timor Lester cũng được cho là do người Trung Quốc xây dựng và tài trợ.

Món quà tặng từ Bắc Kinh với kiến trúc đậm chất Trung Quốc này như một lời nhắc nhở về mối thân tình ngày càng đậm sâu giữa Trung Quốc và Timor Lester. Mối quan hệ càng được củng cố sau một gói viện trợ trị giá 60 triệu USD mà Trung Quốc đổ vào các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế Timor Lester, chẳng hạn như xây dựng, khai khoáng và quốc phòng.

Hiện nay, khoảng cách về mặt kinh tế và xã hội giữa Timor Lester với các quốc gia thành viên ASEAN được cho là rất lớn.

Trong suốt cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, Timor Lester có mức tăng trưởng hai hàng đơn vị trong suốt ba năm liền, với mức 13% - tỉ lệ cao nhất trong khu vực. Đất nước hơn 1 triệu dân này xếp trong hàng 10 nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới.

Tuy nhiên, nền kinh tế non trẻ Timor Lester lại đặt chủ yếu dựa vào công nghiệp tài nguyên môi trường. Dù có diện tích gấp Singapore 20 lần, và gấp đôi Brunei, nhưng Timor Lester lại chủ yếu thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư người Australia, Trung Quốc và Ấn Độ, thay vì các quốc gia ASEAN.

Mặc dù có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú nhưng nền kinh tế của Timor Lester lại chỉ xếp hàng thứ 158 trên 179 quốc gia trong bảng xếp hạng Phát triển con người của UNDP. GDP của quốc gia này chỉ là 700 triệu USD (năm 2011), trong khi Lào – quốc gia có nền kinh tế nhỏ nhất ASEAN có GDP hàng năm là 7,9 tỉ USD (theo nguồn CIA). Một nửa dân số Timor Lester sống dưới mức chuẩn nghèo (dưới 1USD/ngày) và tỉ lệ thất nghiệp vào khoảng 20%.

Kinh tế Timor Lester sống phụ thuộc nhiều vào viện trợ nước ngoài. Trong khoảng từ năm 1999-2009, Timor Lester nhận được viện trợ nước ngoài trong khoảng từ 4,1 – 6,93 tỉ USD. Đây là mức viện trợ nước ngoài tính trên đầu người cao nhất trên thế giới.

Theo Ngân hàng Thế giới, tỉ lệ nghèo của Timor Lester đã tăng lên 14% trong khoảng từ năm 2001-2007.

Như vậy, xét về mặt kinh tế - xã hội và các nguồn lực, Timor Lester có thể chưa trở thành thành viên của ASEAN trong một sớm một chiều. Nhưng tương lai đó không phải là quá xa khi xét về mặt địa chính trị, sự tham gia của Timor Lester trong khối có thể là một đối trọng đúng lúc để ngăn sự ngự trị của Trung Quốc trong khu vực Đông Nam Á vốn đang gặp trục trặc vì ‘đồng thuận chung’ này.

  • Thu Lượng (Tổng hợp)