- Một quan chức ngành ngư nghiệp Trung Quốc đề xuất vũ trang cho ngư dân nước này đi đánh bắt ở Biển Đông; Chiến sự ngày một ác liệt hơn tại thủ đô Syria... là những tin đáng chú ý trong ngày.
Nổi bật trong ngày
Tờ Washington Times số ra ngày 18/7 cho biết, mới đây một quan chức ngành ngư nghiệp của Trung Quốc là Chủ tịch Tập đoàn nhà nước Ngư nghiệp Bảo Sa - ông Hà Kiến Bân đã đề nghị chính phủ nước này cung cấp vũ khí và huấn luyện quân sự cho 100.000 ngư dân Trung Quốc để đi đánh bắt trên Biển Đông và đối đầu với các nước trong khu vực có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc.
Báo trên cho biết, trong bài bình luận đăng ngày 28/6 trên tờ Thời báo Hoàn Cầu, ông Hà Kiến Bân cho rằng, “nếu chúng ta đưa 5.000 tàu đánh cá Trung Quốc vào Biển Đông, chúng ta sẽ có 100.000 ngư dân ở đó. Và nếu chúng ta biến họ thành dân quân, trang bị vũ khí cho họ, chúng ta sẽ có một lực lượng quân sự mạnh hơn tất cả các lực lượng của các quốc gia khác trên Biển Đông hợp lại”.
Tàu cá Trung Quốc |
Quan chức trên cũng tỏ ra "tự tin" khi cho rằng, Trung Quốc sẽ không gặp trở ngại gì khi triển khai nhiều tàu cá như vậy. "Hàng năm từ tháng 5 đến tháng 8, khi các hoạt động đánh bắt tạm ngưng, chúng ta nên huấn luyện ngư dân/dân quân kỹ năng đánh bắt, sản xuất và hoạt động quân sự, biến họ thành lực lượng dự bị trên biển và dùng họ để giải quyết các vấn đề ở Biển Đông", ông này tiếp tục.
Theo tờ Washington Times, Trung Quốc trong những tuần gần đây đã sử dụng tàu cá để gây thêm căng thẳng với các nước láng giềng, trong đó có Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines và Việt Nam. Trong nhiều cuộc chạm trán điển hình, đáng chú ý là các vụ va chạm với tàu Nhật, Philippines, tàu cá Trung Quốc đã đóng vai trò trung tâm, sau đó mới đến các tàu hải giám và ngư chính của nhà nước.
Mặc dù hải quân Trung Quốc có mặt trong khu vực, nhưng cho tới nay họ không trực tiếp tham gia vào các cuộc va chạm với các tàu nước ngoài, nhằm tránh những thách thức trực tiếp từ lực lượng hải quân của các quốc gia khác, trong đó có Nhật Bản, Hàn Quốc và có thể là Mỹ. Đặc biệt, Trung Quốc coi lực lượng hải quân Mỹ là vật cản chính, là đối thủ đáng gờm nhất trong ván cờ Biển Đông.
Tin đọc 30 giây
- Giới chức Tanzania cho biết, ít nhất 31 người chết và hơn 100 người khác mất tích trong vụ chìm phà ở ngoài khơi khu bán tự trị Zanzibar.
- Phe nổi dậy Syria giao tranh quyết liệt với quân đội của Tổng thống Bashar al-Assad ở gần những tòa nhà chính phủ tại thủ đô Damascus.
- Phe nổi dậy Syria công bố kết thúc thắng lợi trận chiến dài 3 tuần đánh chiếm thành phố Azzaz gần biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ ở tỉnh Aleppo.
- Sân bay Burgas của Bulgaria đã phải đóng cửa, sau khi một vụ đánh bom nhắm vào người Israel xảy ra ngay ở sân bay này chiều tối 18/7.
- Bộ Ngoại giao Israel xác nhận 5 công dân nước này nằm trong số 6 người chết vì vụ đánh bom xe tại sân bay thành phố Burgas, Bulgaria.
- Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã lên tiếng cáo buộc, Cộng hòa Hồi giáo Iran đứng đằng sau vụ đánh bom xe tại sân bay Burgas.
- Theo tờ Telegraph, Mỹ đã tiến hành thảo luận cùng Israel về một cuộc tấn công kho vũ khí hóa học được cho là lớn nhất thế giới của Syria.
- Hãng tin BBC cho hay, nhà chức trách Anh quyết định phong tỏa tài sản của các lãnh đạo Syria tại nước này trị giá lên tới 100 triệu bảng.
- Thủ tướng Anh David Cameron tuyên bố đã đến lúc Tổng thống Syria ra đi để tránh cho quốc gia này rơi vào cảnh nội chiến nghiêm trọng.
- Các quốc gia Đông Nam Á đang làm việc để đưa ra 1 tuyên bố chung về vấn đề Biển Đông, Ngoại trưởng Campuchia tuyên bố hôm qua.
Thông tin trong ảnh
Chìm phà nghiêm trọng ở Tanzania làm 31 người thiệt mạng. (Ảnh: Reuters) |
Phát ngôn nổi bật
Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa. (Ảnh: Wordpress) |
Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa hôm 18/7 khẳng định: "Nói ASEAN đang mất đoàn kết là không đúng, ASEAN vẫn có tầm nhìn chung về vấn đề Biển Đông".
Ngày này năm xưa
Ngày 20/7/1976, tàu thăm dò Viking 1 của Mỹ đã hạ cánh xuống sao Hỏa, nhưng thất bại trong việc tìm được dấu vết của sự sống trên hành tinh này.
Thanh Vân (tổng hợp)