Trong thị trường mô người, cơ hội kiếm lợi nhuận là rất lớn. Một thi thể không
bệnh tật có thể đem lại từ 80.000 USD tới 250.000 USD cho những người tham gia
phi lợi nhuận hoặc tìm kiếm lợi nhuận liên quan tới việc khôi phục mô và dùng
chúng để sản xuất các sản phẩm y tế và răng miệng, theo tài liệu và các chuyên
gia trong lĩnh vực này.
Lợi nhuận kinh khủng
Tại Mỹ và hầu hết những quốc gia khác, việc mua hoặc bán mô người là bất hợp pháp. Tuy nhiên, việc trả phí dịch vụ tìm kiếm, lưu trữ và xử lý mô người lại được phép.
Hầu như mỗi người lại có một phần trong hoạt động này.
Những người lùng xác tại Mỹ có thể kiếm tới 10.000 USD cho một cái xác mà họ có được qua các mối quan hệ tại bệnh viện, nhà xác. Các nhà tang lễ sẽ giữ vai trò trung gian để nhận diện những người hiến mô tiềm năng. Bệnh viện công cũng được trả tiền khi phòng lấy mô được sử dụng.
Và các công ty có sản phẩm y tế đa quốc gia như RTI? Họ cũng kiếm chác được
tương đối. Năm ngoái, RTI kiếm được 11,6 triệu USD lợi nhuận trước thuế với
doanh thu 169 triệu USD.
Phillip Guyett, người điều hành một công ty lấy mô từ xác chết ở vài bang của Mỹ
trước khi bị buộc tội làm sai lệch hồ sơ chứng tử cho biết,
anh ta đã được các quan chức nhiều công
ty mua mô chiêu đãi ăn uống tới 400 USD bữa cũng như cho ở
khách sạn sang không mất tiền.
Họ hứa hẹn: "Chúng tôi có thể giúp anh trở thành một người giàu có". Phillip nói, từ đó anh ta bắt đầu nhìn xác chết với những dấu hiệu đồng USD gắn lên các bộ phận". Phillip Guyett chưa bao giờ làm việc trực tiếp cho RTI.
Da người được dùng cho một bệnh nhân bỏng tại bệnh viện Queen Astrid tại Brussels
Lấy các bộ phận còn dùng được từ xác chếtDa người có màu cá hồi xông khói khi nó được lấy khỏi xác chết một cách chuyên nghiệp theo hình chữ nhật. Một miếng da tốt vào khoảng 50 cm vuông.
Sau khi được xử lý để loại trừ hơi ẩm, một số miếng da được dùng để bảo vệ nạn nhân bỏng khỏi các lây nhiễm vi khuẩn chết người hoặc được tinh chế thêm nhằm dùng cho tái tạo ngực sau ung thư.
Việc sử dụng mô người "thực sự đã cách mạng hóa những gì chúng ta có thể làm trong phẫu thuật tái tạo ngực", bác sĩ Ron Israeli, một nhà phẫu thuật ở Great Neck, New York cho hay. "Kể từ khi chúng ta sử dụng chúng vào năm 2005, nó thực sự là một kỹ thuật chuẩn".
Một lượng lớn mô tái chế đã được chuyển thành các sản phẩm mà tên gọi của nó nói lên rất ít về nguồn gốc thực sự. Mô tái chế được dùng trong ngành công nghiệp sắc đẹp và răng miệng, cho mọi thứ từ bơm môi tới xóa vết nhăn.
Xương - được lấy từ xác chết và thay bằng những ống nhựa PVC để phục vụ cho chôn cất - được cắt gọt như những miếng gỗ để tạo thành vít và mấu phục vụ cho chỉnh hình và các ứng dụng về răng miệng. Ngoài ra, xương có thể được nghiền ra và trộn lẫn với hóa chất để tạo thành một loại keo rất cứng dùng cho phẫu thuật.
Ở mức độ cơ bản của những gì chúng ta làm với xác chết thì điều đó hoàn toàn tự nhiên, Chris Truitt, một cựu nhân viên của RTI ở Wisconsin nói. "Chúng tôi lấy xương cánh tay, xương chân ra. Chúng tôi mở lồng ngực để lấy tim và lấy tĩnh mạch dưới da". Toàn bộ dây chằng sau khi được lấy khỏi tử thi sẽ được rửa sạch để bảo đảm an toàn cho cấy ghép, nó sẽ được dùng để chữa trị cho các vận động viên bị thương.
Những hoạt động buôn bán giác mạc cũng rất nhộn nhịp, ở trong phạm vi một quốc gia lẫn quốc tế.
Vấp phải lệnh cấm bán mô, các công ty Mỹ đầu tiên thương mại hóa các hoạt động này đã dùng những cách như nhau, giống kiểu thu gom máu. Các công ty làm ăn vì lợi nhuận đã thiết lập những chi nhánh phi lợi nhuận ở ngoại quốc để thu thập mô, nó rất giống cách mà Hội chữ thập đỏ thu gom máu rồi sau đó chuyển nó thành sản phẩm
Không ai thu tiền các mô thu gom được vì trong những trường hợp bình thường, đó là thứ được hiến tặng miễn phí từ người chết (đã đăng ký từ trước) hoặc từ gia đình họ.
Theo kết quả một nghiên cứu được chính phủ Mỹ tài trợ về gia đình những người hiến mô, công bố năm 2010, có rất nhiều gia đình không hiểu rõ những công ty hoạt động vì lợi nhuận giữ vai trò thế nào trong hệ thống hiến mô. 73% số gia đình tham gia vào cuộc nghiên cứu cho biết, "việc mua và bán mô được hiến tặng, vì bất cứ mục đích gì đều không thể chấp nhận được".
Những mối đe dọa và rủi ro
Luôn có một mối đe dọa cố hữu trong cấy ghép mô người. Theo Trung tâm kiểm dịch
và ngăn ngừa bệnh dịch Mỹ (CDC), việc cấy ghép mô có thể dẫn tới nhiễm khuẩn, đe
dọa tới tính mạng, sự lây truyền HIV, Hepatitis C và bệnh dại ở người nhận mô.
Việc thu thập máu và nội tạng hiện nay đã được đánh mã số kẻ sọc và được quản lý chặt chẽ, một cuộc cải tổ xuất phát từ thảm họa đáng chú ý do việc rà soát người hiến tặng không chặt chẽ. Trong khi đó, các sản phẩm từ da và những mô khác lại chỉ có vài điều luật cụ thể.
Tại Mỹ, cơ quan điều hành ngành này là FDA (thuốc và thực phẩm), đây cũng là nơi chịu trách nhiệm về việc bảo vệ nguồn cung cấp lương thực, thuốc men và mỹ phẩm của quốc gia.
Da người được lấy từ Ukraine và dán nhãn xuất xứ của Đức
FDA, liên tục từ chối phỏng vấn có ghi âm, không có quyền với các cơ sở chăm sóc sức khỏe, nơi mà cấy ghép các vật liệu trên. Cơ quan này cũng không lần theo các vụ lây nhiễm mà chỉ theo dõi những ngân hàng mô có đăng ký và đôi khi tiến hành thanh tra. FDA có quyền đóng cửa các ngân hàng mô.
FDA dựa chủ yếu vào tiêu chuẩn do một cơ quan ngành thiết lập - Hiệp hội các ngân hàng mô Mỹ (AATB). Hiệp hội này cũng từ chối phỏng vấn có ghi âm.
Trước đó, FDA cho hay, hầu hết các ngân hàng mô đều lấy mô như da và xương theo kiểu truyền thống và tuân thủ theo tiêu chuẩn của AATB.
AATB cho biết, khả năng nhiễm bệnh ở bệnh nhân là rất thấp. Hầu hết các sản phẩm đều được khử trùng, khiến nó an toàn hơn những nội tạng được cấy ghép cho người khác, AATB cho biết.
"Các mô đều an toàn, đặc biệt an toàn", một nhà quản lý AATB cho hay. Tuy nhiên, có rất ít dữ liệu để hậu thuẫn cho tuyên bố này.
Theo FDA, các công ty sản xuất sản phẩm y tế từ mô người chỉ phải báo cáo những diễn biến bất lợi, nghiêm trọng nhất mà họ phát hiện ra. Điều đó có nghĩa là nếu có vấn đề phát sinh, không có gì bảo đảm rằng nhà chức trách sẽ được thông báo. Hơn nữa, vì các bác sĩ không phải thông báo với bệnh nhân rằng họ lấy mô từ xác chết nên nhiều bệnh nhân không biết những lây nhiễm sau này có liên quan tới mô cấy ghép.
Về vấn đề này, ngành kinh doanh các bộ phận từ xác chết cho biết, họ có thể lần theo dấu vết sản phẩm từ đối tượng hiến tặng tới các bác sĩ bằng một hệ thống mã riêng. Ngoài ra, nhiều bệnh viện cũng có những hệ thống để lần theo mô sau khi đã cấy ghép. Tuy nhiên, không có hệ thống trung ương hay khu vực nào có thể đảm bảo theo dấu từ người hiến tặng tới bệnh nhân.
"Có lẽ, rất ít người bị nhiễm bệnh do đó chúng tôi thật sự không biết vì không thể giám sát cũng như không có một hệ thống để phát hiện các diễn biến bất lợi", ông Kuehnert của CDC cho biết.
Xác chết được mua dễ dàng như thế nào?
FDA đã thu hồi hơn 60.000 sản phẩm từ mô trong khoảng thời gian từ 1994 tới giữa 2007. Vụ thu hồi ầm ĩ nhất diễn ra vào năm 2005. Nó liên quan tới một công ty tên là Biomedical Tissue Services, do Michael Mastromarino- một cựu nha sĩ điều hành. Mastromarino lấy nhiều vật liệu thô từ các nhà xác ở New York và Pennsylvania. Ông này trả mỗi xác là 1.000 USD, ghi chép của tòa cho thấy.
Công ty của Michael Mastromarino lấy xương, da và các bộ phận có thể sử dụng được khỏi xác chết sau đó mới trả lại cho gia đình. Các gia đình người chết, không biết điều gì xảy ra, đã chôn cất hoặc hỏa thiêu bằng chứng. Một trong số hơn 1.000 cái xác nổi tiếng bị lấy các bộ phận chính là phóng viên nổi tiếng của BBC Alistair Cooke.
Các sản phẩm làm từ thi thể người bị ăn trộm được chuyển tới Canada, Thổ Nhĩ Kỳ và Hàn Quốc, Thụy Sĩ, Australia. Hơn 800 sản phẩm không thể xác định là nó đang ở đâu. Sau này, khi mọi việc bị đưa ra tòa, sự thật mới sáng tỏ. Đó là một số nhà hiến mô đã chết vì ung thư và không ai trong số đó được xét nghiệm mầm bệnh như HIV và viêm gan.
Mastromarino làm giả mẫu hiến tặng, nói dối về nguyên nhân chết và những chi tiết khác. Cựu nha sĩ này đã bán da và các mô khác cho một số công ty xử lý mô, trong đó có cả RTI.
"Ngay từ những ngày đầu, mọi thứ đã bị làm giả vì chúng ta có thể. Chừng nào mà giấy tờ trông còn ổn thì mọi thứ đều trôi chảy", Mastromarino, hiện đang thụ án tù từ 25-58 năm cho hay. Nhân vật này kết tội vì ăn trộm và lạm dụng xác chết.
Hoài Linh (Theo DailyMail)