Thế giới ngoại giao được cho là nơi mang đầy tính nghi thức và thận trọng, tuy nhiên, ngày càng có nhiều quan chức chính sách đối ngoại và các nhà ngoại giao lại đang làm công việc của họ theo cách thức đại chúng nhất có thể, đó là thông qua mạng xã hội Twitter.

Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan là một trong số những nhà ngoại giao rất 'chịu khó' cập nhật thông tin trên trang Twitter cá nhân của ông.
Vào buổi sáng mà Ratko Mladic xuất hiện trước phiên tòa tội ác chiến tranh của Liên Hợp Quốc, Ngoại trưởng Anh William Hague đã đưa ra bình luận ngoại giao dữ dội theo cách mà người tiền nhiệm của ông là Viscount Palmerston hẳn rất tự hào.

"Các lãnh đạo Syria nên suy ngẫm về hình ảnh của Mladic tại ghế dành cho bị cáo ngày hôm nay - công lý quốc tế còn quá xa tầm với" - ông Hague viết trên trang Twitter cá nhân.

Palmerston là một nhà ngoại giao kiêm Thủ tướng Anh từ thế kỷ 19, vốn nổi tiếng với chính sách ngoại giao pháo hạm. Còn Ngoại trưởng Hague - một người sử dụng Twitter - lại đang thực hiện hoạt động ngoại giao với biến thể khác: đó là ngoại giao trực tuyến trong thế kỷ 21.

Cũng giống như Ngoại trưởng Hague, Ngoại trưởng Carl Bildt của Thụy Điển cũng rất thành thạo trong loại hình ngoại giao này. Trong suốt thời gian chính quyền Bahrain đàn áp các cuộc biểu tình của người dân vào năm ngoái, ông Carl Bildt đã lên Twitter để 'nhắc nhở' đồng nhiệm Bahrain: "@khalidalkhalifa: Sẽ cố gắng trao đổi với ông về vấn đề này".

Ngoại giao trực tuyến được cho là các đối thoại giữa các ngoại trưởng trên khắp thế giới, khi mà vấn đề đối ngoại ngày càng có xu hướng gói gọn hơn trên dưới 140 ký tự.

 Với giới hạn 140 ký tự, Twitter khó có thể chuyển tải hết sắc thái ngoại giao. Nhưng trong một hình thức ngắn gọn, một loạt ký tự tượng hình, thông điệp trong mỗi tin nhắn đều rất trực tiếp và mạnh mẽ.

Phương tiện truyền thông xã hội phổ biến chỉ là một trong các công cụ mà các chính quyền đang sử dụng nhiều hơn để mở rộng tầm ảnh hưởng trên internet. Các trang web có thể giúp cung cấp hướng dẫn về lãnh sự, giải thích về chính sách, và tiếp cận với các công chúng mới. Phương tiện này cũng được dùng để nhắc nhở, cảnh báo và đôi khi còn giải quyết các rắc rối.

Người đi đầu trong lĩnh vực này chính là Bộ Ngoại giao Mỹ, hiện có hơn 150 nhân viên mạng xã hội làm việc toàn thời gian trên khắp 25 văn phòng khác nhau. Họ sử dụng các trang mạng phổ biến như YouTube, Facebook và Twitter cũng như VKontakte ở Nga.

Nhiều quan chức ngoại giao cũng tham gia các khóa học về kỹ thuật mạng xã hội. Hơn 900 quan chức ngoại giao của Mỹ trên thế giới sử dụng mạng xã hội như là một phần trong hoạt động ngoại giao thường nhật của họ.

Fergus Hanson - một chuyên gia về ngoại giao trực tuyến thuộc Học viện Lowy ở Sydney - cho biết mạng xã hội đóng vai trò như một hệ thống cảnh báo sớm đối với các chiều hướng xã hội và chính trị đang nổi lên. Đó cũng là một cách tiếp cận tới những người hình thành dư luận trên mạng, và là một phương tiện đính chính các thông tin sai lệch một cách nhanh chóng.

Đôi khi các tin nhắn trên Twitter của các quan chức ngoại giao chỉ mang tính tán chuyện. Nhưng ngoại giao trực tuyến lại nghiêm túc hơn rất nhiều. Peter Millett -một đại sứ tại Jordan- sử dụng blog của mình để tả lại một cảnh ông nhìn thấy ở biên giới Syria. "Người đàn ông đó rõ ràng đã bị chấn thương khi đi qua biên giới Syria. Đôi mắt mở to, ông nói với chúng tôi rằng ông đã chứng kiến cảnh chị gái và bảy đứa con của cô ấy bị những kẻ hung bạo giết". 

Tuy nhiên, bản thân ngoại giao trực tuyến cũng có rủi ro. Thậm chí ngay với cả những người đầy kinh nghiệm như Ngoại trưởng Thụy Điển Carl Bildt cũng không tránh khỏi rắc rối.

Trước Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos năm nay, ông đã dấy lên chỉ trích về thứ mà nhiều người cho là một thông điệp không nhạy cảm: "Đang rời Stockholm để đến Davos. Muốn dự bữa tối về chương trình Lương thực Thế giới tối nay. Nạn đói toàn cầu là một vấn đề khẩn thiếp!#davos.

Trong thông điệp này, nhiều người cho rằng 'nạn đói' và một 'bữa tối' thịnh soạn không hề hợp lý khi đặt cạnh nhau.

Trong khi nhiều người tận dụng thế mạnh của ngoại giao trực tuyến, thì Ngoại trưởng Mỹ vẫn muốn duy trì hoạt động ngoại giao kín tiếng hơn.

  • Lê Thu (theo BBC)