Tranh cãi về chủ quyền tại Biển Đông và ảnh hưởng của xung đột này lên các quốc gia ASEAN cũng như hiện diện của các cường quốc trong cuộc chơi tại đây được thể hiện như thế nào? Tiến sĩ Michael Wesley thuộc Học viện Chính sách Quốc tế Lowy đã có bài phân tích về những thiệt hơn giữa các bên trong cuộc xung đột này.
Các tàu khai thác tại Biển Đông |
Tuy nhiên, tình hình ở Biển Đông lại khó lường hơn, và chắc chắn sẽ khiến các chiến lược gia và các nhà hoạch định chính sách quan tâm sát sao hơn và trong thời gian dài hơn. Biển Đông chính là nơi mà các yếu tố cấu thành nên động lực thay đổi quyền lực tại châu Á thể hiện rất rõ hơn: sức nặng về chiến lược cũng như giấc mộng quyền lực của Trung Quốc ngày càng gia tăng; hy vọng cũng như e ngại của các quốc gia láng giềng về sự thống trị của Trung Quốc trong khu vực; và Mỹ buộc phải đáp ứng được thách thức về mặt chiến lược của Trung Quốc.
Biển Đông tập trung các các tuyên bố chồng lấn lẫn nhau về chủ quyền, tài nguyên và quyền đi lại qua khu vực này. Về mặt địa chiến lược, nơi đây cũng giống như tam giác Bermuda, nó khiến cho mọi liên kết được kỳ vọng bị đảo lộn hoàn toàn, và mọi quy tắc thông thường của cuộc chơi đều bị 'treo' lơ lửng.
Biển Đông trở thành điểm bùng phát tại Thái Bình Dương nơi mà xung đột hầu như có thể nổ ra chỉ với một tính toán sai lầm. Đây là khu vực hàng hải tấp nập nhưng lại xảy ra tranh cãi giữa các lực lượng hàng hải thiếu kinh nghiệm và học thuyết hải quân chưa phát triển, các nguyên tắc quản lý xung đột hàng hải chưa được thiết lập cũng chưa được thông qua. Và sự không đối xứng về mặt sức mạnh của các quốc gia tuyên bố chủ quyền, kết hợp với các quyền chồng lấn và chủ nghĩa dân tộc dâng cao đồng nghĩa với việc: các sự việc trên một khi đã xảy ra thì sẽ có chiều hướng leo thang. Có bốn lý do giải thích việc tại sao tìm giải pháp cho tranh cãi tại Biển Đông lại trở thành ưu tiên hàng đầu của các nhà hoạch định chính sách chiến lược.
1. Đối với Trung Quốc, đó là vì an ninh
Biển Đông là nơi thể hiện rõ hơn cả tình thế tiến thoái lưỡng nan về mặt hàng hải của Bắc Kinh. Một phần lớn dân số và các trung tâm sản xuất của quốc gia này nằm thành cụm tại vùng duyên hải, và do đó trở nên dễ bị tấn công từ phía biển vào. Các nhà chiến lược hải quân có thể nhìn thấy rằng khắp duyên hải của Trung Quốc bị bao vây bởi một loạt các quốc gia và vùng lãnh thổ không thân thiện gì với Bắc Kinh: đó là Nhật, Hàn Quốc, chuỗi đảo Ryuku, Đài Loan, và Philppines. Mục tiêu lớn hơn tất thảy trong chiến lược hải quân của Trung Quốc là thiết lập sự thống trị ở vùng biển trong "chuỗi đảo thứ nhất".
Ở tận cùng phía nam của chuỗi đảo thứ nhất, Biển Đông có tầm quan trọng then chốt đối với vận tải thủy thương mại của Trung Quốc, các tuyến vận tải năng lượng, và lối ra vào cho các tàu ngầm đóng ở đảo Hải Nam từ Thái Bình Dương. Nhưng các điểm ra vào ở phía nam và phía tây của Biển Đông - là Sunda, Lombok, đảo Luzon và eo biển Malacca - lại do các đồng minh hoặc đối tác của Mỹ kiểm soát. Cách tốt nhất để phòng ngự trong bối cảnh dễ bị tấn công đó là kiểm soát cả khu vực Biển Đông, và từ đó giãn dần vị thế của Mỹ tại Biển Đông.
Giới tinh hoa đầy ảnh hưởng của Trung Quốc coi Biển Đông là "lãnh thổ xanh" và có chủ quyền lãnh thổ tương đương như những nơi khác ở Trung Quốc như Tây Tạng, Đài Loan hoặc Tân Cương. Cứ theo lối nghĩ đó, việc từ bỏ bất cứ một tuyên bố nào tại Biển Đông cũng là một dấu hiệu cho thấy các quyền của họ tại Tây Tạng, Tân Cương và Đài Loan đang suy yếu, và đó sẽ là điều không thể chấp nhận được.
Trong những tuần gần đây, Bắc Kinh đã đặt quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (của Việt Nam) và Dải Macclesfield dưới cấp độ hành chính, thiết lập một cơ quan lập pháp gồm có 45 thành viên để quản lý 1100 người dân sống trên các đảo này, và thông qua việc triển khai đơn vị đồn trú của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc tại các đảo này.
2. Biển Đông: Tránh những ngày tháng cũ đau thương
Nếu như không được giải quyết thì các đà tiến triển tại Biển Đông có thể đẩy cả khu vực Đông Nam Á trở lại những ngày tháng cũ đau thương vì chia rẽ giữa các quốc gia, bất ổn trong nước và cả việc các cường quốc cạnh tranh lẫn nhau can thiệp vào khu vực. Và rõ ràng là các quốc gia ASEAN sẽ không thể nào chống chọi được một khi phải đối mặt với các bất đồng và tình trạng đối địch.
Philippines và Việt Nam đều muốn ASEAN hỗ trợ họ trong việc đương đầu với Bắc Kinh. Một bên khác là Campuchia, Lào và Myanmar không có liên quan gì trực tiếp tới xung đột này và không mặn mà thể hiện quan điểm với lập trường của Philippines và Việt Nam. Còn Indonesia, Malaysia, Singapore đều lo ngại về tranh cãi này, nhưng họ tin rằng việc tránh đối đầu với Trung Quốc sẽ cải thiện các triển vọng đàm phán hiệu quả.
Căng thẳng tại Biển Đông đã làm lộ ra khoảng trống trong mức độ tin cậy của các thể chế ở ASEAN khi dựa vào nguyên tắc đồng thuận – có nghĩa là bất kỳ thành viên nào cũng có thể đẩy vấn đề ra khỏi chương trình nghị sự, bất kể vấn đề đó có đang căng thẳng tới mức nào.
Bắc Kinh từ chối thảo luận về Biển Đông trong bất kỳ các cuộc họp của khu vực, và họ bóng gió đe dọa sẽ rút khỏi bất kỳ tổ chức nào không tôn trọng nguyện vọng này. Điều này cho thấy niềm tin của Đông Nam Á rằng họ có thể “xã hội hóa” Trung Quốc bằng cách hoan nghênh họ vào các thể chế khu vực đã đặt nhầm chỗ. Các thể chế ở châu Á cho phép Bắc Kinh đưa ra nhượng bộ rõ rệt, chẳng hạn như thỏa thuận năm 2002 với ASEAN để ra Tuyên bố về Nguyên tắc ứng xử ở Biển Đông mà không phải từ bỏ bất kỳ quan điểm nào của mình.
Khi Mỹ và Trung Quốc cùng can dự vào Biển Đông thì nguyên tắc trung lập – vốn là nguyên tắc cốt yếu của ASEAN sẽ bị đe dọa.
Tại Manila, sau các cáo buộc rằng Bắc Kinh đã từng hối lộ chính quyền có quan điểm mềm mỏng của cựu Tổng thống Arroyo về Biển Đông, chính quyền Tổng thống đương nhiệm Aquino và phe đối lập trong Quốc hội đã thể hiện ganh đua trong các chính sách không khoan nhượng về vấn đề này.
- Lê Thu (dịch từ LIFIP)
(Còn nữa….)