Trung Quốc đang ganh đua quyết liệt để có một ghế trong hội đồng về các nguồn lực và tuyến thương mại ở vùng biển Bắc Cực.
Vùng biển Arctic tại Greenland, Đan Mạch |
Và tâm điểm hành động là Hội đồng Arctic - tổ chức liên chính phủ quan trọng nhất trong cả khu vực. Giờ đây, Trung Quốc đang tìm cách để trở thành quan sát viên thường trực của hội đồng này.
"Trung Quốc muốn có tiếng nói lớn hơn trong hội đồng vốn là tổ chức duy nhất đặt ra nghị trình cho các vấn đề tại biển Arctic" - ông Chen Gang, một nhà nghiên cứu tại Đại học Quốc gia Singapore thuộc Học viện Đông Á, phát biểu.
Được thành lập vào năm 1996, hội đồng này bao gồm 8 thành viên có lãnh thổ nằm trong phạm vi của Arctic, đó là Canada, Mỹ, Nga, Thụy Điển, Đan Mạch, Na-Uy, Iceland và Phần Lan. Các thảo luận về mọi vấn đề - từ phát triển bền vững cho tới bảo vệ môi trường trong khu vực đều diễn ra tại hội đồng này.
Để hiểu được sức hấp dẫn của khu vực phía bắc này và vị trí của hội đồng, nên xem xét khía cạnh này: Cơ quan Khảo sát Địa chất của Mỹ ước tính rằng trong số nhiên liệu chưa được khai phá của thế giới thì 13% lượng dầu và 30% lượng khí đốt tự nhiên đều nằm trong phạm vi của Arctic. Đáy biển Arctic bao gồm cả vùng thềm lục địa Bắc Cực ước tính có trữ lượng khoảng 10 tỷ tấn dầu.
Khi nhiệt độ tăng cao, điều đó đồng nghĩa với việc các tàu thuyền có thể đi vào khu vực này trong vài tháng băng tan. Các con đường này sẽ ngắn hơn vài ngàn dặm so với các tuyến hiện đang được sử dụng. Khu vực này cũng có hệ thống sinh thái rất mong manh và băng tuyết tại khu vực này giúp điều hòa nhiệt độ toàn cầu.
Linda Jakobson - giám đốc của chương trình Đông Á tại Học viện Lowy ở Sydney cho biết: trong khi Arctic vẫn là một vấn đề ngoại biên đối với Trung Quốc, thì mối quan tâm của Bắc Kinh tại đây trong 5 năm qua đã tăng lên rất nhiều vì tuyến đường thủy ngắn hơn và tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên.
"Trung Quốc hiểu rằng họ không muốn bị đứng ngoài cuộc" - Jakobson, một thành viên của nhóm nghiên cứu Arctic tại Học viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm cho biết. "Họ không muốn bị đứng bên ngoài bất kỳ thể chế nào sẽ chi phối Arctic".
Các quan sát viên thường trực không có quyền bỏ phiếu, nhưng họ có thể tham gia vào các quá trình của hội đồng, đề xuất dự án thông qua các thành viên và nếu được phép, họ có thể đưa ra tuyên bố và trình bày quan điểm trong các cơ quan cấp dưới. Nếu thành công, Trung Quốc có thể gây ảnh hưởng lên tiến trình đối thoại trong khu vực vốn là nơi có tầm quan trọng trọng yếu về mặt kinh tế cũng như môi trường.
Các thành viên sẽ quyết định hồ sơ của các quan sát viên thường trực vào tháng 5/2013. Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất muốn ứng cử vào vị trí này. Hàn Quốc, Nhật Bản và các quốc gia khác đều tham gia vào cuộc chạy đua.
Trung Quốc đã không hề bỏ phí bất kỳ nỗ lực nào trong việc 'chăm sóc' các quốc gia ở Arctic, với nhiều lời chào mời đầu tư và hứa hẹn hợp tác phát triển bền vững và năng lượng tái tạo.
Đầu năm nay, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã tới thăm Đan Mạch đánh dấu chuyến thăm đầu tiên của nguyên thủ Trung Quốc tới quốc gia này. Thủ tướng Ôn Gia Bảo tới Iceland và Thụy Điển, đây là chuyến thăm của Thủ tướng Trung Quốc đầu tiên trong vòng nhiều thập kỷ qua. Ông Guo nói rằng quan hệ ngoại giao song phương của Trung Quốc đã giúp họ giành được sự hậu thuẫn từ các quốc gia ở Arctic.
Bắc Kinh còn dành ra các nguồn lực đáng kể để nghiên cứu khí hậu, hệ thống sinh thái và môi trường tại Arctic. Kể từ năm 1984 tới nay, Trung Quốc đã tiến hành 31 chuyến thám hiểm bắc cực cùng với các nhà khoa học nước ngoài, và xây dựng tại đây ba trạm nghiên cứu. Trung Quốc đầu tư 200 triệu USD vào chiếc tàu phá băng thứ hai, tàu này sẽ vận hành vào năm 2014.
Ông Chen cho rằng cơ hội để Bắc Kinh giành được vị trí này là 50-50. "Họ có thể phải đương đầu với một số tranh đấu về ngoại giao với Mỹ và Nga, nhưng các quốc gia ở vùng Scandinavi lại có một thái độ khá cởi mở với Trung Quốc. Nói chung, họ muốn Trung Quốc ngồi vào ghế quan sát viên thường trực của Hội đồng Arctic".
Chen Xulong - Giám đốc bộ phận nghiên cứu chiến lược và quốc tế thuộc Học viện Nghiên cứu Quốc tế của Trung Quốc - cho biết sẽ "chẳng nghi ngờ" gì về việc Trung Quốc đủ tiêu chuẩn để có được chiếc ghế này. "Vấn đề là liệu các thành viên [của Hội đồng] có đồng thuận hay không" - ông Chen nói.
- Lê Thu (theo GP)