Bình Nhưỡng đã vạch ra các biện pháp kinh tế mới, thay đổi hệ thống phân phối do nhà nước kiểm soát và có lý giải chính thức về những thay đổi trước công chúng.


Nhiều nguồn tin cho biết, Triều Tiên đã tìm cách mở rộng việc thực thi cái gọi là những biện pháp 28/6, vốn trao quyền tự chủ lớn hơn cho các công ty nhà nước, cho phép họ lựa chọn sản phẩm làm ra, ấn định giá thành, tự quyết số lượng và các biện pháp tiếp thị.

Ngoài ra, Bình Nhưỡng còn cho phép nông dân giữ lại 30% mùa màng. Theo những biện pháp này, hệ thống phân phối thực phẩm sẽ được loại bỏ với dân thường và chỉ áp dụng cho công chức cũng như công nhân viên làm tại cơ sở y tế và giáo dục.

Gần đây, Triều Tiên cũng cố kiếm ngoại tệ bằng cách thúc đẩy kinh tế, đưa nhiều công nhân hơn tới Trung Quốc và xuất khẩu khoáng sản sang nước ngoài - một động thái mà các chuyên gia cho rằng nó là một phần của việc vực dậy nền kinh tế đang yếu kém.

Cùng với những nỗ lực trên, giới lãnh đạo ở Bình Nhưỡng cũng cố gắng phát triển các điều kiện kinh tế trong nước, hy vọng lấy được lòng tin từ dân chúng nhiều hơn, khi mà ngày càng có nhiều người bất bình về điều kiện kinh tế nước nhà.

Kể từ giữa những năm 1990, sau khi Liên Xô tan rã, kinh tế Triều Tiên ở bên bờ sụp đổ. Nước này đã trải qua một đợt đói kém trầm trọng.

Theo các chuyên gia, các biện pháp cải tổ mới này mạnh hơn nhiều so với những gì được đưa ra vào năm 2002. "Với nhà lãnh đạo mới Kim Jong Un, phát triển kinh tế tổng thể cho dân thường là điều quan trọng nhất để đảm bảo lòng trung thành của công chúng và củng cố vai trò lãnh đạo đất nước", Kim Young-hui, chuyên gia về kinh tế Triều Tiên tại tập đoàn tài chính Hàn Quốc cho hay.

Kể từ khi Jong Un nhậm chức vào tháng 12/2011 sau khi người cha qua đời, hy vọng đối với nhà lãnh đạo được đào tạo ở Thụy Sĩ trong việc tiến hành cải tổ kinh tế đã dâng cao.

  • Hoài Linh (Theo JoongAng, ANN)