Bộ Ngoại giao Mỹ cảnh báo Trung Quốc không nên lợi dụng các cuộc đàm phán song phương nhằm “chia rẽ và kiểm soát” các quốc gia có tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông.

TIN BÀI KHÁC:


Nổi bật trong ngày:

Tuyên bố trên được phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Victoria Nuland đưa ra sau chuyến thăm của Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì tới Malaysia và Brunei.

Tuy nhiên, bà Nuland không nói liệu Mỹ có nghi ngờ những ý định của Bắc Kinh trong các cuộc đàm phán hay không. Hội nghị thượng đỉnh vào cuối tháng trước của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã kết thúc trong không khí gay gắt về Biển Đông, khi chủ nhà Campuchia từ chối ký vào bản thông cáo chung đề cập tới cuộc tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông với Trung Quốc mà Philippines và Việt Nam theo đuổi.

"Những gì mà chúng ta quan tâm nhất lúc này là căng thẳng đang gia tăng giữa các nước liên quan. Do vậy, chúng tôi muốn đạt được cam kết cho một thỏa thuận đáp ứng đòi hỏi của tất cả các bên", AP dẫn lời bà Nuland phát biểu tại một cuộc họp báo ở Washington.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland

Mỹ và Trung Quốc ngày càng trở nên mâu thuẫn về vấn đề Biển Đông trong thời gian gần đây. Đầu tháng này, Mỹ đã chỉ trích việc Trung Quốc thành lập  cái gọi là “thành phố Tam Sa” và các đơn vị đồn trú quân đội trên một hòn đảo xa xôi ở Biển Đông bất chấp căng thẳng leo thang.

Bà Nuland cho biết Mỹ đang kêu gọi ASEAN và Trung Quốc cùng hướng tới một quy tắc ứng xứ trên Biển Đông, nơi hội tụ của nhiều tuyến đường biển nhộn nhịp nhất trên thế giới và có trữ lượng năng lượng khổng lồ.

Theo bà, ngoại giao song phương hỗ trợ cho một thỏa thuận đa phương là điều tốt nhưng "nỗ lực nhằm chia rẽ và chế ngự rồi kết thúc trong một tình thế còn cạnh tranh giữa các nước cùng đòi chủ quyền sẽ không giúp giải quyết vấn đề".

Trung Quốc từ lâu muốn tiến hành các cuộc đàm phán riêng rẽ với từng nước về tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông hơn là đàm phán đa phương mặc dù trong chặng dừng chân ở Indonesia trước khi tới thăm Malaysia và Brunei, Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì khẳng định Bắc Kinh sẵn sàng làm việc "trên cơ sở đồng thuận" hướng tới Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông.

Mỹ không có vị trí tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông nhưng với tư cách là một quốc gia có tiếng nói ở Thái Bình Dương, Mỹ cho rằng cần có trách nhiệm duy trì hòa bình và an ninh khu vực vì lợi ích của mình.

Tin đọc 30 giây:

- Truyền hình nhà nước Syria ngày 15/8 đưa tin, một quả bom đã phát nổ tại trung tâm thủ đô Damascus, gần khách sạn của các nhân viên Liên Hợp Quốc, khiến 3 người bị thương.

- Pháp đang tăng cường an ninh để đối phó với tình trạng bạo lực bùng phát từ đêm 13/8 ở thành phố Amiens, miền Bắc nước này. Ít nhất 16 cảnh sát bị thương, một trường tiểu học bị thiêu rụi và một trung tâm thể thao đã bị phá hủy hoàn toàn.

- Một nhóm nghiên cứu của Mỹ cho biết Triều Tiên có thể hoàn thành việc xây dựng một lò phản ứng nước nhẹ vào năm tới, vốn có thể được sử dụng để hỗ trợ chương trình hạt nhân của nước này.

- Ít nhất 36 người thiệt mạng và hơn 70 người bị thương trong ba vụ đánh bom liên hoàn tại thành phố Zaranj, thủ phủ tỉnh Nimroz, Tây Nam Afghanistan.

- Theo trang Inquirer.net của Philippines, Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương (PACOM) đang làm việc với Bộ Quốc phòng và Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) để bàn về việc chuyển những tài sản hậu cần tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương khi Mỹ rút quân khỏi Afghanistan.

- Ngày 15/8, Ấn Độ đã tổ chức các hoạt động kỷ niệm 65 năm ngày độc lập, thoát khỏi ách đô hộ của thực dân Anh (15/8/1947 – 15/8/2012)

Thông tin trong ảnh:


Các em nhỏ bị sốt xuất huyết phải nằm chen chúc trên một giường bệnh tại bệnh viện ở thủ đô Manila, Philippines. (Ảnh: Getty Images)

Phát ngôn nổi bật:


Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario. (Ảnh: Bloomberg)

"Chúng ta coi Trung Quốc như một người bạn, một láng giếng và là đối tác...Vấn đề Biển Đông không bao trùm tất cả mối quan hệ của chúng ta [với Trung Quốc]. Chúng ta nên tách biệt các tranh chấp với các chương trình nghị sự song phương", tờ GMA News của Philippines dẫn lời Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario khi trả lời chất vấn của thượng nghị sĩ Manny Villar về phản ứng của chính phủ với Trung Quốc trong bối cảnh gia tăng căng thẳng tại bãi cạn Scarborough/ Hoàng Nham.

Ngày này năm xưa:

Ngày 15 tháng 8 năm 1969, Lễ hội âm nhạc Woodstock với tinh thần nổi bật là chống chiến tranh Việt Nam đã được tổ chức tại thị trấn Bethel, New York, Mỹ. Trong vòng 3 ngày (15-17/8) lễ hội này đã thu hút được nửa triệu khán giả tới xem và được bình chọn là một trong 50 sự kiện làm thay đổi lịch sử của thể loại rock &roll.

Sầm Hoa (Tổng hợp)