Hơn năm tháng qua, rất nhiều quan chức hải quân Nga cùng với Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố rằng cảng Tartus - căn cứ hải quân tại Syria - có tầm quan trọng then chốt đối với chiến lược an ninh của Moscow.
Trong bối cảnh đó, câu hỏi nên đặt ra là liệu Nga có thật sự có lợi ích tại các cơ sở ở cảng Tartus hay Moscow chỉ sử dụng cảng này làm phương tiện để mở rộng ảnh hưởng liên quan tới hệ quả về sau của xung đột Syria.
Nếu xét về lợi ích của Nga tại cảng này thì có vẻ là không hẳn. Thực tế, Tartus chỉ là một cơ sở nhỏ và hạn chế, thậm chí tại đây còn không hề có các cơ sở sửa chữa thường xuyên. Tuy nhiên, có những lý do thuyết phục để Nga có thể coi đó là một cơ sở then chốt.
Khu vực bảo dưỡng ở bến tàu và nạp nhiên liệu có tầm quan trọng sống còn đối với các tàu hải quân của Nga. Hải quân Nga đã hoàn thiện quá trình nạp nhiên liệu trên biển, và giúp cho các con tàu có thể đi lại trên những chặng đường rất dài.
Hải quân Nga đơn giản chưa đạt tới mức độ bền vững trong việc triển khai - họ cần các cảng để tiến hành việc tu sửa và cung cấp nhiên liệu. Trên thực tế, các tàu của Nga xuất hiện 12 lần trong suốt 2 năm qua. Các tàu này không chỉ xuất phát từ Hạm đội Biển Đen, mà còn từ các Hạm đội Baltic và phía Bắc.
Các hạm đội này có rất nhiều sứ mệnh, từ việc triển khai ở Địa Trung Hải và hoạt động chống cướp biển tại biển Đỏ, Vịnh Aden và Lòng chảo Somali, do đó có vẻ như Nga đang dựa vào việc đơn phương thâm nhập vào cảng Tartus để thực hiện các nhiệm vụ không liên quan gì tới chế độ của Tổng thống Assad. Điều này cho thấy Nga có lợi ích quốc gia trong việc duy trì cảng này bất kể hệ quả của cuộc nội chiến tại Syria là gì.
Mặt khác, nước Nga khi nói tách riêng khỏi Hải quân Nga, lại được cho là sử dụng Tartus như là một cơ sở để vận chuyển thiết bị quân sự và các vật tư cho chính quyền Tổng thống Assad. Rất nhiều người sẽ nhớ tới chuyến đi của con tàu thuỷ có động cơ Alaed, xuất phát từ cảng Kaliningrad biển Baltic của Nga hồi cuối tháng Sáu vừa qua chất đầy trực thăng tấn công MI-25 thẳng tiến tới Tartus.
Mặc dù kéo cờ Curacao, Anh vẫn nhận ra tàu MV Alaed và coi đó là vi phạm lệnh cấm vận của Liên minh châu Âu đối với Syria, và do đó bảo hiểm hàng hải của con tàu này đã bị hủy. Điều này đã buộc MV Alaed phải trở lại Kaliningrad, kéo cờ Nga và bắt đầu hành trình khác tới Tartus. Các tàu khác của Nga như MV Professor Katsman trước đó đã tới Tartus để giỡ các thiết bị quân sự và vật tư.
Nói cách khác, Tartus cho phép công ty xuất khẩu vũ khí quốc doanh của Nga là Rosoboronexport vận chuyển và cung ứng vũ khí trực tiếp tới chính quyền Assad và cũng là một minh chứng cho lợi ích của Nga tại cảng này. Và điều này cho thấy Tartus thật sự rất quan trọng đối với Moscow, chứ không chỉ đơn thuần là một phương tiện để Nga tác động lên các kết quả của cuộc nội chiến tại Syria.
Hơn nữa, Tartus cũng là một điểm hợp lý cho việc di chuyển các công dân Nga lên tàu trong một Chiến dịch sơ tán phi quân sự nếu như Nga cảm thấy việc này là cần thiết do nội chiến tại Syria. Hiện tại số người Nga tại Syria vẫn chưa rõ chính xác là bao nhiêu.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố hồi tháng Sáu rằng số người Nga tại quốc gia Trung Đông này là 100.000 người, nhưng có nguồn tin cho rằng con số này chưa chính xác. Tuy nhiên, Nga đã chỉ định ba tàu vận tải đổ bộ mang theo 360 lính thủy đánh bộ đến duyên hải Tartus để thực thi nhiệm vụ này.
Tất cả những nguyên nhân này đều rất thuyết phục xét cả về mặt ngoại giao lẫn hậu cần để Nga hỗ trợ cho chính quyền Assad. Nếu như lợi ích thật sự của Nga là duy trì việc cập cảng, thì việc Syria sụp đổ sẽ làm cho vấn đề này trở nên rất rắc rối, trừ khi chính quyền có thể giữ lại được khu vực Alawite nơi có cảng Tartus.
Còn nếu như Nga coi việc di dời người dân của mình là hàng đầu, thì xét về lâu về dài, vấn đề Tartus hay là cả chính quyền Syria đều không quá quan trọng. Còn nếu Nga muốn duy trì một quốc gia đồng minh trong thế giới Ả Rập, thì Nga sẽ phải dốc toàn lực cho Assad. Vào lúc này đây, có vẻ như Nga đang cân nhắc các phương án và ưu tiên của mình.
- Lê Thu (theo Diplomat)