Tàu sân bay của Trung Quốc chỉ "hữu danh vô thực" theo nhận định của các nhà phân tích quân sự, LHQ thành lập lực lượng đặc nhiệm Iran...là các tin nóng trong ngày
Nổi bật trong ngày
Mặc dù dư luận ở Trung Quốc kỳ vọng chiếc tàu sân bay mà nước này nâng cấp từ con tàu cũ mua lại của Ukraine sẽ sớm trở thành tàu chính của lực lượng hải quân hùng mạnh thì các chuyên gia quân sự quốc tế vẫn cho rằng nó thiếu máy bay chiến đấu, vũ khí, thiết bị điện tử, những hỗ trợ về hậu cần và huấn luyện cần thiết để trở thành một tàu chiến thật sự.
"Hiện còn nhiều điều chưa chắc chắn song phải mất từ 3 tới 5 năm con tàu này mới sẵn sàng làm nhiệm vụ", ông Carlo Kopp - nhà đồng sáng lập Air Power Australia, một tổ chức cố vấn quân sự độc lập tại Melbourne nhận xét.
Chiếc tàu sân bay được nâng cấp mà Trung Quốc gọi là Thi Lang, có tên nguyên thủy là Varyag, vừa có đợt chạy thử lần thứ 10. Một số nhà nghiên cứu quân sự Trung Quốc trước đó dự đoán, chiếc hàng không mẫu hạm này sẽ được biên chế vào lực lượng hải quân trong năm nay.
Tuy nhiên, các lãnh đạo cấp cao của Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc đã bác bỏ những kỳ vọng này và tuyên bố rõ chiếc tàu sân bay 60.000 tấn còn lâu mới sẵn sàng hoạt động và nó còn phải trải qua nhiều lần chạy thử và tập luyện.
"Vạn lý Trường thành không thể xây trong một ngày" đại tá Lin Bai thuộc cơ quan vũ trang chung cho biết sau khi tàu Thi Lang trở về cảng sau chuyến đi thử nghiệm lần thứ 9.
Theo nhận xét của các nhà phân tích quân sự, ngay cả khi chiếc Thi Lang (Varyag) đi vào hoạt động, nó cũng chỉ giữ vai trò hoạt động giới hạn, phần lớn là huấn luyện và đánh giá trước khi Trung Quốc tự chế tạo chiếc tàu sân bay đầu tiên sau năm 2015.
Các thông tin trên blog quân sự và website không chính thức của Trung Quốc cho hay, Bắc Kinh đang có kế hoạch đóng tàu sân bay tại xưởng đóng tàu Jiangnan, gần Thượng Hải.
Tuy nhiên, các nhà phân tích chuyên nghiệp lẫn không chuyên, vốn nghiên cứu ảnh chụp vệ tinh của xưởng đóng tàu trên, không tìm được bằng chứng nào về việc đóng tàu như các thông tin trên.
Tin đọc 30 giây
- Cơ quan giám sát hạt nhân LHQ đã thành lập Lực lượng đặc nhiệm Iran để đảm nhận các cuộc thanh tra và kiểm tra các hoạt động hạt nhân gây tranh cãi của quốc gia Hồi giáo này.
- Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc sẽ thăm Ấn Độ vào tuần tới nhằm siết chặt quan hệ quân sự giữa hai nước. Chuyến thăm hiếm này được coi là một dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh muốn ổn định biên giới được vũ trang cẩn mật ở khu vực Himalaya.
- Truyền thông sai lệch giữa một phi công của hàng không Tây Ban Nha Vueling và kiểm soát không lưu Hà Lan đã gây ra lo sợ rằng chuyến bay bị không tặc. Việc này khiến Hà Lan phải phái chiến đấu cơ F-16 đi chặn chiếc máy bay đang trên đường từ Malaga, Tây Ban Nha tới sân bay Schiphol.
- Các phái viên phương Tây đang thúc giục các nước Ả rập không "nhiếc móc" Israel về kho hạt nhân của nước này tại hội nghị thường niên của cơ quan hạt nhân LHQ vì sợ rằng nó ảnh hưởng tới các nỗ lực vì một Trung Đông phi vũ khí hạt nhân.
- Tòa án tối cao Ấn Độ xác nhận Mohammed Kasab - tay súng duy nhất còn sống sót trong vụ tấn công ở Mumbai năm 2008 làm 166 người thiệt mạng, đã bị kết án tử hình.
- Một tòa án dân sự cấp cao của Ukraine đã bác đơn kháng cáo của cựu Thủ tướng Yulia Tymoshenko, vốn phản đối kết án bà đã lạm dụng chức quyền. Như vậy, bà Tymoshenko sẽ tiếp tục ngồi tù và quan hệ giữa Ukraine với phương Tây sẽ tiếp tục căng thẳng trầm trọng.
- Thổ Nhĩ Kỳ đã kêu gọi Liên Hợp Quốc bảo vệ những người Syria phải chạy loạn ngay trong nước này nhưng Tổng thống Syria Bashar al-Assad - hiện đang chiến đấu chống lại những người muốn lật đổ mình, đã từ chối các cuộc thảo luận về một vùng đệm trong lãnh thổ Syria.
- Lo ngại dư luận công chúng trước thềm bầu cử, chính phủ Nhật hiện đang ngả về một mục tiêu là xóa bỏ năng lượng hạt nhân vào năm 2030. Đây là một bước thay đổi chính sách lớn với nền kinh tế, vốn dự định đẩy mạnh vai trò năng lượng hạt nhân trước khi thảm họa Fukushima xảy ra.
Thông tin trong ảnh
Chiếc xe chạy bằng chất thải của vật nuôi đầu tiên trên thế giới do công ty Toto của Nhật tạo ra có thể di chuyển tới 300km, nó có một bồn cầu ở chỗ ngồi bình thường và một cuộn giấy to ở phía sau. (Ảnh ANI)
Phát ngôn nổi bật
"Tôi có thể tóm tắt trong một câu: Chúng ta đang tiến lên, tình hình trên chiến trường đang ổn hơn nhưng chúng ta vẫn chưa thắng. Cần có thêm thời gian. Quân đội Syria nhấn định cần thời gian để chấm dứt cuộc xung đột này", Tổng thống Syria Assad nói về cuộc nội chiến đang xảy ra ở nước này.
Ngày này năm xưa
30/8/1963 - Đường dây nóng hoạt động 24h/7 ngày của Mỹ và Liên Xô đi vào hoạt động. Đường dây này giúp đẩy nhanh thông tin giữa chính phủ Mỹ và Liên Xô, giúp ngăn chặn một cuộc chiến bất ngờ.
- Hoài Linh (Tổng hợp)