Nổi bật
Theo tin từ Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản, sáng qua (14/9), sáu tàu hải giám của Trung Quốc đã đi vào vùng biển gần quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư tranh chấp với Nhật Bản.
Vụ việc này xảy ra chỉ vài ngày sau khi chính quyền Nhật Bản hoàn tất quốc hữu hóa những hòn đảo nói trên. Nhà chức trách Nhật Bản đã ra cảnh báo yêu cầu các tàu này rời đi.
Quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư, tâm điểm tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc. (Ảnh: AP) |
Chính phủ Nhật Bản đã thành lập phòng đặc nhiệm tại Trung tâm xử lý khủng hoảng thuộc Văn phòng Thủ tướng cùng đội đặc nhiệm tại Cơ quan cảnh sát quốc gia để xử lý vấn đề.
Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda tuyên bố rằng, Tokyo "sẽ áp dụng tất cả các biện pháp có thể" nhằm đảm bảo an ninh xung quanh quần đảo Nhật Bản khẳng định chủ quyền.
Đáp lại, phía Trung Quốc cho rằng, hoạt động của các tàu này là để chứng tỏ quyền tài phán của Trung Quốc với Điếu Ngư và các đảo liền kề, bảo đảm lợi ích quốc gia ở trên biển.
Tokyo đã triệu Đại sứ Trung Quốc Cheng Yonghua đến để phản đối. Đồng thời, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Koichiro Gemba phải rút ngắn chuyến thăm Australia quay về ứng phó.
Theo tin mới nhất, đến khoảng 13 giờ 20 (giờ địa phương), tức khoảng 7 tiếng sau khi chiếc tàu đầu tiên đi vào vùng biển gần Senkaku/ Điếu Ngư, toàn bộ tàu Trung Quốc đã rút lui.
Trong một diễn biến khác cùng ngày, Nhật Bản đã cảnh báo an ninh với công dân nước này ở Trung Quốc sau hàng loạt vụ tấn công, gây rối, khi căng thẳng giữa hai nước tăng cao.
Những biện pháp an ninh này bao gồm cẩn trọng vào ban đêm, tránh những nơi đông người và tránh sử dụng tiếng Nhật ở nơi công cộng, một nhà ngoại giao của Nhật Bản cho hay.
Cơ quan ngoại giao của Nhật Bản tại Trung Quốc đã phải ra cảnh báo trên, bởi vì trong những ngày qua đã xảy ra tổng cộng sáu vụ người dân bản địa tấn công công dân Nhật Bản.
Tin vắn
- Tòa án xử tội ác Khmer Đỏ hoãn phóng thích "Đệ nhất phu nhân" Khmer Đỏ, sau khi các ủy viên công tố yêu cầu áp dụng các điều kiện đi kèm.
- Chính phủ Hàn Quốc đã bắt đầu chuyển những văn phòng tới thành phố hành chính quốc gia Sejong nằm cách thủ đô Soeul 150km về phía Nam.
- Hạ viện Nga đã tiến hành tước tư cách nghị sĩ của ông Gennady Gudkov, một trong những người chỉ trích Tổng thống Vladimir Putin kịch liệt nhất.
- Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản cam kết sẽ tiếp tục nỗ lực giải quyết những vấn đề liên quan tới CHDCND Triều Tiên "một cách toàn diện".
- Đài Loan yêu cầu Nhật cam kết để các ngư dân vùng lãnh thổ này có thể tiếp tục đánh bắt cá ở những vùng biển tranh chấp trên Biển Hoa Đông.
- Lực lượng an ninh Yemen đã bắn chỉ thiên và hơi cay vào đám đông khoảng 2.000 người tìm cách tuần hành qua sứ quán Mỹ tại thủ đô Sanaa.
- Ít nhất 19 người thiệt mạng cùng 30 người bị mất tích sau khi mưa lớn kéo dài gây ra hiện tượng lở đất và lũ quét ở khu vực miền bắc của Ấn Độ.
- Ngày 14/9, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết các thành viên của một nhóm thuộc phe đối lập ở Syria sẽ đến thăm Trung Quốc trong tuần tới.
- Một vụ va chạm kinh hoàng giữa xe khách và xe chở nhiên liệu tại Afghanistan trong ngày 14/9, khiến 50 người thiệt mạng, nhiều người bị thương.
Tin ảnh
Hôm 13/9, hàng trăm người Yemen đã phá vỡ cổng chính và xông vào khu vực sứ quán Mỹ. (Ảnh: AP) |
Phát ngôn ấn tượng
Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian. (Ảnh: Acus) |
Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian cho biết, cộng đồng quốc tế đang thảo luận khả năng thiết lập “vùng giải phóng” tại Syria.
Tuy nhiên ông Jean-Yves Le Drian cũng khẳng định, Pháp "không hề có ý định, bây giờ hoặc sau này, chuyển vũ khí cho phe đối lập ở Syria".
Ngày này năm xưa
Ngày 15/9/1945, Việt Nam Thông tấn xã phát đi toàn thế giới bản Tuyên ngôn độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại Quảng trường Ba Đình khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Từ đó, ngày 15/9 trở thành Ngày truyền thống của ngành thông tấn.
Theo Nghị quyết số 84/UBTVQH ngày 12/5/1977 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam, Việt Nam Thông tấn xã (VNTTX) được đổi thành Thông tấn xã Việt Nam.
Thanh Vân (tổng hợp)