Tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và các nước châu Á có thể kết thúc bằng chiến tranh nếu các chính phủ vẫn giữ cách hành xử khiêu khích, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta cho biết hôm 16/9.



Nói với các phóng viên trước khi tới Tokyo trong chuyến công du châu Á, ông Panetta kêu gọi kiềm chế trong bối cảnh căng thẳng về quyền lãnh thổ leo thang ở biển Hoa đông và Biển Đông.

"Tôi lo rằng khi các nước tham gia khiêu khích lẫn nhau về hàng loạt đảo, nó sẽ làm dấy lên khả năng phán xét sai ở một phía và có thể dẫn tới bạo lực", ông Panetta nói khi đề cập tới cuộc xung đột giữa Nhật và Trung Quốc. "Cuộc xung đột sau đó có khả năng mở rộng".

Chuyến thăm của người đứng đầu Lầu Năm Góc trùng với thời điểm tranh cãi giữa hai nền kinh tế lớn nhất châu Á leo thang về một quần đảo ở Hoa Đông, theo cách gọi của Tokyo là Senkaku và Trung Quốc là Điếu Ngư.

Căng thẳng tăng dần kể từ khi các nhà hoạt động ủng hộ Bắc Kinh bị bắt và trục xuất sau khi đặt chân xuống một trong những hòn đảo thuộc quần đảo tranh chấp vào tháng 8 vừa qua. Tiếp đó, những người theo chủ nghĩa dân tộc Nhật cũng đến quần đảo tranh chấp, cắm cờ.

Tuần trước, Nhật tuyên bố đã quốc hữu hóa 3 trong số các đảo thuộc quần đảo tranh chấp, khiến các cuộc biểu tình bùng phát ở Trung Quốc.

Các đảo không người ở thuộc quần đảo tranh chấp giữa Nhật và Trung Quốc nằm trong tuyến đường biển quan trọng và đáy biển gần đó được cho là nơi có nguồn khoáng sản quý giá.

Bộ trưởng Quốc phòng Panetta nói, ông và Ngoại trưởng Hillary đều mạnh mẽ kêu gọi các nước nỗ lực tìm ra những cách để giải quyết hòa bình các vấn đề thay vì có cách hành xử khiêu khích.

Theo kế hoạch, hôm nay (17/9), ông Panetta sẽ hội đàm với người đồng nhiệm Nhật và tranh chấp sẽ là chủ đề chính. Tiếp đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sẽ sang Trung Quốc và tiếp theo là New Zealand.

Quan chức này dự đoán, sự kình địch về kinh tế sẽ dẫn tới những mối thù trong tương lai về các khu vực giàu tài nguyên ở châu Á Thái Bình Dương.

Tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông cũng khiến Washington lo ngại khi Trung Quốc từ chối rút tuyên bố đối với hầu hết các tuyến đường biển chiến lược và bị buộc tội bắt nạt các nước nhỏ hơn trong vùng.

Chuyến thăm của ông Panetta là một phần nỗ lực của Tổng thống Obama nhằm chuyển dịch trọng tâm ngoại giao và quân sự sang châu Á do lo ngại về sức mạnh ngày càng tăng cũng như lập trường quả quyết của Trung Quốc.

  • Hoài Linh (Theo CNA, The Australian)