Đằng sau cuộc tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư giữa Nhật và Trung Quốc là một cuộc chơi cân bằng thế chiến lược giữa hai cường quốc Đông Á.

Xung đột mới, tranh chấp cũ

Làn sóng dân tộc chủ nghĩa dâng cao tại cả Nhật Bản và Trung Quốc
Căng thẳng hiện nay giữa Trung - Nhật về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư bắt đầu khơi lại từ hồi tháng Tư. Trong nhiều thập kỷ, Tokyo và Bắc Kinh nhìn chung đã duy trì một thỏa thuận ngầm nhằm giữ cho cuộc xung đột này kín tiếng. Nhật đồng ý không tiến hành xây dựng bất kỳ công trình nào hoặc bất kỳ ai đổ bộ lên đảo; Trung Quốc chấp nhận trì hoãn việc khẳng định hay tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo, và không để cho tranh chấp gây ảnh hưởng tới quan hệ thương mại và chính trị. Mặc dù cãi vã xảy ra nhưng các cuộc tranh cãi về lãnh thổ còn rơi rớt này chỉ đóng vai trò rất nhỏ trong quan hệ song phương Trung - Nhật.

Vì sao Nhật - Trung dậy sóng biển đảo?
Những vụ cãi nhau vặt quanh các hòn đảo đang là một mối đe dọa nghiêm trọng thật sự đối với hòa bình và thịnh vượng của khu vực.

Tuy nhiên, các kế hoạch mua đảo của Thị trưởng Tokyo Ishihara và sau đó là xây dựng một tiền đồn an ninh tại đây lại buộc chính phủ Nhật phải hành động. Đối mặt với sức ép chính trị trong nước để đảm bảo cho tuyên bố chủ quyền của Nhật đối với các đảo này, việc chính quyền trung ương buộc phải 'quốc hữu hóa' các đảo này là một phương án ít lôi thôi nhất. Bằng cách nắm quyền kiểm soát đối với việc xây dựng và tiếp cận đảo, chính quyền Nhật có thể giữ được thỏa thuận ngầm về phần mình đối với Trung Quốc trong việc quản lý đảo.

Nhưng Trung Quốc lại coi kế hoạch quốc hữu hóa này của Nhật là một cơ hội để khai thác. Một làn sóng chống Nhật dâng cao trên khắp các thành phố Trung Quốc. Thậm chí các nhà hoạt động của Hong Kong cũng tham gia vào cuộc tranh chấp. Đúng như dự đoán, lực lượng tuần duyên của Nhật đã bắt các nhà hoạt động này, nhưng vẫn thả họ để tránh leo thang căng thẳng.

Chưa đầy một tháng sau đó, Nhật đưa ra quyết định cuối cùng để mua các đảo, làn sóng chống Nhật lại dấy lên, và thậm chí còn dữ dội hơn nhằm vào cả các sản phẩm và công ty của Nhật. Một mặt tận dụng các lập luận chống Nhật, mặt khác các cơ quan truyền thông của Nhật lại nhấn mạnh vào các nỗ lực nhận dạng và trừng phạt những người biểu tình đã biến tuần hành thành bạo lực và cảnh báo rằng: tự tôn dân tộc không phải là cớ để có hành vi phá hoại.

Hiện tại, cả Trung Quốc và Nhật đều không thể công khai nhượng bộ quan điểm về chủ quyền, và đều tìm cách ghi điểm về mặt chính trị mà không để cho tình hình xuống dốc thêm nữa.

Tiến thoái lưỡng nan

Tranh cãi biển đảo xảy ra khi Trung Quốc và Nhật Bản - nền kinh tế thứ hai và thứ ba thế giới - đang trải qua quá trình chuyển giao lãnh đạo và đối mặt với các khó khăn về kinh tế. Nhưng tranh cãi cũng thể hiện rõ các vị thế khác nhau của hai quốc gia trong lịch sử phát triển của họ và trong cán cân quyền lực ở Đông Bắc Á.

Trung Quốc - cường quốc đang nổi tại châu Á - có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh trong nhiều thập kỷ qua, nhưng giờ lại đang đối mặt với khó khăn. Nhật đã từng trải qua giai đoạn này vào đầu những năm 1990, còn Hàn Quốc và các con hổ châu Á khác là vào cuối thập kỷ đó. Trung Quốc đã đạt tới các giới hạn về tài trợ bằng vay nợ, mô hình kinh tế xuất khẩu và giờ đây đang đối mặt với các hệ quả kinh tế và xã hội từ sự thay đổi này. Việc này xảy ra giữa lúc Trung Quốc đang trải qua kỳ chuyển giao thế hệ lãnh đạo mười năm một lần, và điều này chỉ khiến thổi bùng thêm các bất ổn khi họ tranh luận về các phương án để chuyển đổi sao cho phù hợp hơn với mô hình kinh tế. Nhưng trong khi quá trình mở rộng kinh tế của Trung Quốc khá yên ổn, thì Bắc Kinh vẫn phát triển quân sự mạnh mẽ.

Quân đội Trung Quốc đang trở thành một lực lượng chiến đấu hiện đại hơn, năng động hơn trong việc gây ảnh hưởng chính sách đối ngoại và quyết đoán hơn tới vai trò của Bắc Kinh trong khu vực.

Trái lại, Nhật Bản lại trải qua hai thập kỷ kinh tế sa sút do tăng trưởng trì trệ cho dù không nhất thiết là một sự thoái hóa về sức mạnh kinh tế toàn diện. Vấn đề chính của Nhật chính là thiếu đi động lực kinh tế, đây cũng là lo ngại đang thể hiện trong nền chính trị Nhật, khi mà các lực lượng mới đang vươn lên để thách thức đảng phái chính trị hiện thời. Đảng Dân chủ Tự do (LDP) đã mất quyền lực sang tay Đảng Dân chủ Nhật Bản từ năm 2009, và cả hai đảng này đều đang đối mặt với các thách thức từ phía các ứng viên độc lập, mới mẻ và sự trỗi dậy của các đảng khu vực. Những thành tố mới này lại cổ xúy cho chủ nghĩa dân tộc và kêu gọi chính sách đối ngoại 'xông xáo' hơn nữa.

Khi cân nhắc tới sức mạnh quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc, hạt nhân của Triều Tiên, mở rộng quốc phòng của Hàn Quốc, Nhật đã thận trọng quan sát các mối đe dọa tiềm tàng tới lợi ích biển đang hình thành, và họ quyết định tiến hành hành động. Một mặt, Mỹ chia sẻ gánh nặng với đồng minh, mặt khác cũng khuyến khích Tokyo đóng thêm nhiều vai trò tích cực đối với an ninh khu vực và thế giới sao cho xứng tầm với ảnh hưởng kinh tế toàn diện.

Giao tranh vì thế tối thượng ở Đông Á

Trung Quốc đang chật vật với vai trò mới của lực lượng quân sự trong quan hệ đối  ngoại, trong khi Nhật Bản lại đang chứng kiến quân đội của họ trỗi dậy trở lại một cách từ từ như là một công cụ cho quan hệ quốc tế. Tăng trưởng kinh tế trong hơn hai thập kỷ qua của Trung Quốc đang chạm tới giới hạn logic, tuy nhiên, dựa trên quy mô của dân số Trung Quốc và tình trạng chưa thể chuyển đổi sang một nền kinh tế tiêu dùng, Bắc Kinh vẫn còn cả một con đường dài trước khi họ đạt được bất kỳ một sự đóng góp thích đáng về mặt nguồn lực và lợi nhuận.

Còn Nhật Bản sau hai thập kỷ xã hội đồng thuận duy trì ổn định trong điều kiện tái cơ cấu lại nền kinh tế, giờ đây đang chạm ngưỡng giới hạn kiên nhẫn với hệ thống quan liêu trì trệ.

Cả hai quốc gia đều đang để cho chủ nghĩa dân tộc trỗi dậy, đều đang hình dung vai trò ngày càng cao của lực lượng quân đội, và cùng chiếm một khoảng không gian chiến lược. Với việc Washington chuyển trọng tâm hướng châu Á - Thái Bình Dương, Bắc Kinh lo ngại rằng một nước Nhật hồi sinh có thể hỗ trợ đắc lực cho Mỹ trong việc kiềm chế Trung Quốc theo chiến lược kiềm chế như hồi Chiến tranh Lạnh.

Lúc này tại châu Á đang là giai đoạn đầu của một cuộc chuyển giao quyền lực khác. Có lẽ không phải tự nhiên trùng hợp khi việc thiết lập lại quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Mỹ năm 1972 lại diễn ra sau chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Mỹ Richard Nixon tới Trung Quốc. Lúc đó, Senkaku/Điếu Ngư vẫn chưa phải là một vấn đề gì vì quần đảo này vẫn nằm dưới sự quản lý của Mỹ. Sự thay đổi trong quan hệ Mỹ - Trung đã mở lối phát triển quan hệ Trung - Nhật.

Mục đích sâu kín của Mỹ là duy trì lâu dài hết mức cán cân giữa hai cường quốc then chốt của châu Á, do đó sẽ không bên nào có thể thách thức vị trí tối thượng ở Thái Bình Dương. Trong Thế chiến II, Mỹ đã giúp Trung Quốc một tay trong cuộc chiến chống lại đế quốc Nhật. Còn vai trò hiện tại của Mỹ là hậu thuẫn cho quân đội Nhật trỗi dậy đối phó với sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc cũng theo cách tương tự. Và khi mà Trung Quốc rơi vào một chu kỳ kinh tế mới, điều này rất có thể sẽ kéo theo những thay đổi sâu sắc, và cũng không khó hình dung việc Trung Quốc và Nhật Bản lại có một sự thay đổi trong cán cân ngầm về địa chiến lược một lần nữa. Và khi mà thực tế đó diễn ra, vai trò của Mỹ cũng sẽ thay đổi.

  • Lê Thu (theo Stratfor)