Các chính trị gia với nhiều việc cấp bách trong nước đã vắng mặt trong cuộc họp của LHQ. Một số lãnh đạo quan trọng như Chủ tịch Trung Quốc, Thủ tướng Đức, Tổng thống Nga, không dự họp.



Trong khi những cuộc xung đột quen thuộc giữa các nước được đề cập tại phòng họp của Đại hội đồng LHQ gồm 193 thành viên thì các ghế ngồi bị bỏ trống sẽ chứng thực một cách thầm lặng cho tầm quan trọng đang giảm sút của cơ quan này.

Một số nhà lãnh đạo quan trọng như Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Đức Angela Merket và Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ vắng mặt tại cuộc họp thường niên năm nay. Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng chỉ xuất hiện chớp nhoáng và không chính thức tham gia các cuộc họp tay đôi với những quan chức nước ngoài.

Ảnh hưởng của LHQ, tổ chức đã tồn tại được 67 năm, luôn bị giới hạn bởi quyền phủ quyết của 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an. Hiện giờ sức mạnh khoa học, tài chính, môi trường, tôn giáo và nhân khẩu học toàn cầu đang ngày càng kiềm chế khả năng hành động của LHQ và xói mòn tổ chức này.

"Khái niệm về một thế giới của những quốc gia, có từ thời Hiệp ước Westphalia vào năm 1648, và ý tưởng rằng họ độc quyền về quan hệ quốc tế và tiến hành chiến tranh đã không còn hiệu lực. Nó đã được thay thế bằng các yếu tố phi quốc gia và sự ủy nhiệm của các nước, và ý kiến công chúng đã trở thành trọng tâm", Max Manwaring, giáo sư Viện nghiên cứu chiến lược thuộc trường lục quân Mỹ ở Carlisle, Pennsylvania cho hay.

Được thiết lập để giúp các nước hóa giải xung đột trước khi leo thang thành một cuộc chiến công khai, LHQ không được trang bị đầy đủ để giải quyết những thách thức vượt phạm vi quốc gia trong thời đại internet, vốn có thể đưa tin tài chính và các video khắp thế giới nhanh hơn cả việc Hội đồng Bảo an có thể tập hợp các đại biểu cần thiết để biểu quyết một vấn đề, chứ chưa nói tới thống nhất.

Cơ quan ra quyết định của LHQ bị tê liệt về những chủ đề nhức nhối như tham vọng hạt nhân của Iran, tình trạng dấy loạn tại Syria, các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên và tình trạng nhà nước của Palestine cũng không có gì chuyển biến. Các nhà ngoại giao tại trụ sở chính của LHQ cũng không kỳ vọng có gì thay đổi trong thời gian ngắn.

Với những nhà lãnh đạo vắng mặt trong cuộc họp năm nay, những ưu tiên chính trị của họ là ở đất nước của mình.

Thủ tướng Angela Merkel cần quan tâm tới sự sống còn của đồng tiền chung châu Âu cũng như sức khỏe của kinh tế Đức. Trung Quốc đang đối mặt với thay đổi lãnh đạo quan trọng của cả thập niên và hành động quyết đoán hơn với các nước láng giềng. Ngay cả Tổng thống Mỹ Obama, người đã đưa lại hướng tiếp cận đa phương vào chính sách ngoại giao Mỹ cũng chỉ xuất hiện ngắn ngủi tại cuộc họp khi cuộc tranh cử Tổng thống của ông đang bị đe dọa.

  • Hoài Linh (Theo Bloomberg)