Có khoảng hơn 11 triệu cân thuốc nổ được tìm thấy ở đáy biển dọc duyên hải Mỹ. Các quả bom chưa phát nổ do quân đội ném xuống từ thời trước hiện vẫn là mối đe dọa khi các công ty năng lượng khoan khai thác dầu.

Các quả bom nay được thả từ những năm 1940 khi chưa có các luật về biển quốc tế. Cho tới năm 1972 mới có hiệp ước quốc tế cấm vứt rác thải.

"Ngày nay, các quả bom này là một mối đe dọa và không ai biết nên xử lý tình hình như thế nào" - William Bryant, Giáo sư về hải dương học thuộc Đại học A&M của Texas cho biết.

"Nếu các chất hóa học rò rỉ từ các quả bom này, đây sẽ là một vấn đề thực sự. Nếu như nhiều quả bom này vẫn có thể phát nổ, đây lại là một vấn đề khác lớn hơn nhiều".

Nguy cơ các quả bom này phát nổ không cao, nhưng nếu một sự cố xảy ra sẽ là cả một thảm họa, đặc biệt là nếu như gần đó có các đường ống dẫn dầu.

Bryant thậm chí còn lo ngại hơn về các chất độc hóa học có trong các vũ khí từ thời Chiến tranh Thế giới I. Chất độc này có thể gây hại cho môi trường dưới biển.

Các loại hàng hóa cũng bị vứt ở một số khu vực dọc bờ biển của Mỹ, nhưng Bryant nói rằng một lượng rất lớn các loại rác thải này đã bị vứt rất gần bờ, nhưng không bao giờ được ghi lại.

Các công ty viễn thông và dầu lửa từ lâu đã biết về mối nguy hiểm này. Năm ngoái, BP đã di chuyển và cho phát nổ một quả bom ở gần đường ống đang hoạt động của hãng này.

Bryant ước tính rằng có khoảng 90 triệu kg chất nổ đang nằm dưới đáy biển của cả thế giới.

Gần đây có các báo cáo về các chương trình chất thải hạt nhân mà Liên Xô thực hiện gần Biển Artic, trong đó có cả việc vứt một tàu ngầm hạt nhân có lò phản ứng không ổn định.

"Về cơ bản, bạn có thể tìm thấy các chất nổ ở mọi đại dương trên khắp thế giới, các biển lớn, hồ hoặc sông" - Terrance Long, người sáng lập nên Hội thảo Chất nổ dưới biển, nói.

  • Lê Thu (theo RT)