Đáp lại, Liên Xô cũng bí mật triển khai tên lửa hạt nhân ở Cuba, nhằm thẳng vào Mỹ. Vào lúc Chiến tranh Lạnh tiến sát tới một cuộc chiến hạt nhân thì bất ngờ ngòi nổ được tháo êm thấm đến mức ngoạn mục.
Sau 13 ngày trong tháng Mười năm 1962, phần lớn thế giới (và hầu như toàn bộ người Mỹ) tin rằng bằng một sức mạnh Mỹ đầy tính huyền thoại nào đó, Tổng thống John. F. Kennedy đã khiến Liên Xô phải lẳng lặng rút lui và giỡ các tên lửa tại Cuba mà không phải đánh đổi bất kỳ điều gì.
Trên thực tế, một thỏa thuận ngầm đã được đưa ra, một cuộc đổi chác đã được giữ kín. Đổi lại là ảo tưởng về sức mạnh bất khả của Mỹ trong các cuộc thương thảo được bảo toàn. Niềm tin đó vô tình đã thiết lập nên một tiêu chuẩn trong cách Washington xây dựng chính sách đối ngoại khi đối phó với các đối thủ của Mỹ. Và giờ là lúc sự thật được phơi bày và cũng là lúc lập kỷ lục cho cách mà Tổng thống Kennedy đã xử lý cuộc khủng hoảng tên lửa ở Cuba.
Vào một mùa thu 50 năm trước, cách Tổng thống John F. Kennedy (JFK) xử lý đầy khéo léo cuộc khủng hoảng tên lửa tại Cuba đã trở thành một huyền thoại tâm điểm trong Chiến tranh Lạnh. Cốt truyện được vẽ nên là, với sức mạnh ưu việt của quân đội Mỹ và ý chí sắt thép của mình, Kennedy đã buộc Thủ tướng Liên Xô Nikita Khrushchev phải đầu hàng và di rời các tên lửa hạt nhân đã bí mật triển khai ở Cuba.
Như Ngoại trưởng Mỹ Dean Rusk hùng hổ: Mỹ đã “mặt đối mặt” còn những người Liên Xô “chỉ biết lảng tránh”. Nói một cách hoang đường thì Khrushchev đã bỏ cuộc, còn Kennedy thì chẳng mất gì. Do đó, cuộc khủng hoảng đã chấm dứt với phần thắng giành cho một nước Mỹ không nao núng, và Liên Xô phải gánh chịu thất bại tuyệt đối.
Chiến thắng của Kennedy trong một cuộc Chiến tranh Lạnh đầy hỗn loạn và không thuyết phục bỗng nhiên trở nên thống trị về mặt chính trị trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Nó tôn sùng sức mạnh quân sự và sức mạnh ý chí, phỉ báng vào chính sách đối ngoại kiểu đổi chác. Nó thiết lập nên một tiêu chuẩn cho kiểu tranh chấp tay đôi dữ dội và đầy nguy hiểm khi Mỹ đương đầu với các địch thủ có thể không xứng tầm – vì ngay từ đầu điều đó đã không xảy ra.
Tất nhiên, từ lâu nước Mỹ đã quá nghiện việc không thỏa hiệp với những đối tượng mà Washington cho là ‘kẻ xấu’, nhưng rốt cuộc lại thỏa hiệp. Tổng thống Harry Truman còn đi xa hơn thế khi đề xuất hẳn một vị trí cho Moscow trong Kế hoạch Marshall.
Ngoại trưởng đương thời là Dean Acheson biện hộ rằng khi đó bạn chỉ có thể đối phó với Moscow bằng cách tạo ra “sức mạnh về tình thế”. Và tất cả mọi vấn đề này ít hay nhiều đều nguôi dần cho tới khi xảy ra khủng hoảng tên lửa Cuba, cách JFK xác lập sức mạnh Mỹ đã gây thêm sức ép cho những người kế nhiệm quyết không chịu thỏa hiệp với đối thủ.
Về cuộc khủng hoảng tên lửa ở Cuba, mọi người vẫn tin rằng JKF đã thắng lợi mà không hề nhượng bộ một li một lai nào. Ý nghĩ đó tự nó ăn sâu vào các cuộc bàn cãi về chính sách và tranh luận về chính trị của Mỹ dù nói ra hay không.
Nó hiện hữu ngay lúc đó và cả những thập kỷ sau này, trong các lo ngại phải đưa ra bất kỳ nhượng bộ nào với chương trình hạt nhân của Iran hay là vai trò của Taliban ở Afghanistan. Lãnh đạo Mỹ không hề thích việc thỏa hiệp, và sẽ còn rất nhiều việc phải giải quyết với hiểu nhầm còn rơi rớt lại sau 13 ngày trong tháng Mười năm 1962.
Trên thực tế, cuộc khủng hoảng này kết thúc không phải với sự rút lui vô điều kiện của Moscow, mà với sự nhượng bộ của cả hai phía. Liên Xô rút các tên lửa của họ khỏi Cuba, đổi lại Mỹ phải hứa không tấn công Cuba và rút các tên lửa Jupiter khỏi Thổ Nhĩ Kỳ. Về các nguyên nhân có vẻ như đã rõ, phe Kennedy đã giữ kín vụ rút tên lửa Jupiter trong thỏa thuận bí mật suốt hơn hai thập kỷ, và thậm chí coi đó chỉ là một việc vặt.
Về những nguyên nhân còn chưa tiết lộ, phía Liên Xô cũng kín tiếng. Các học giả như Graham Allison của Đại học Harvard công bố sự thật trong suốt nhiều năm, nhưng các nỗ lực của họ hiếm khi chiếm ưu thế trong các cuộc tranh luận công khai cũng như trong các cuộc họp của Nhà Trắng về việc làm thế nào để Mỹ có thể đẩy lui kẻ thù chỉ với một cái ‘quắc mắt’.
Ngay từ lúc đầu, phe của Kennedy đã tìm cách che đậy phần nhượng bộ đối với tên lửa Jupiter. Việc này bắt đầu khi mà anh trai của Tổng thống là Chưởng lý Robert F. Kennedy có cuộc gặp với Đại sứ Liên Xô Anatoly Dobrynin vào ngày 27/10 để trình bày về việc đổi tên lửa Jupiter lấy tên lửa Liên Xô.
Ông nói với Dobrynim rằng: Chúng tôi sẽ rút các tên lửa Jupiter ra, nhưng đó không phải là phần nằm trong thỏa thuận, và anh sẽ không bao giờ được nhắc tới việc này. Liên Xô rút tên lửa khỏi Cuba, và Mỹ cũng cho tên lửa Jupiter lui, và bí mật đó được giữ kín suốt 16 năm, cho tới khi một đoạn nhỏ trong cuốn sách của Arthur Schlesinger có đề cập sơ qua.
Bốn năm sau đó, các cố vấn chính của Kennedy viết một bài báo trên tờ Times nhân dịp kỷ niệm 20 năm cuộc khủng hoảng. Trong đó, họ thừa nhận rằng việc rút tên lửa Jupiter có nằm trong thỏa thuận với Moscow. Tuy nhiên, họ nói rằng họ làm vậy là để hạ thấp tầm quan trọng của sự việc, cho thấy rằng vụ thỏa thuận Jupiter chỉ là một động thái ‘vuốt đuôi’ khi mà JFK trước đó đã quyết định rút các tên lửa này khỏi Thổ Nhĩ Kỳ rồi.
Sau đó, họ lại hoàn toàn mâu thuẫn với chính mình khi thừa nhận rằng việc giữ kín nội dung về Jupiter với tư cách là một phần của thỏa thuận này rất quan trọng, đến mức nếu thông tin này mà rò rỉ, nó “có thể làm nổ tung và phá hủy các nỗ lực về an ninh của Mỹ và các đồng minh”.
Những phụ tá của Kennedy dù đã quay lưng lại với lời giáo huấn thì rất lâu sau đó vẫn tiếp tục truyền bá về chiến thắng này. Hầu hết đều phản đối cuộc chiến tranh VIệt Nam mà JFK vẫn đang vật lộn cho tới khi bị ám sát. Họ đều nghi ngờ về giá trị của sức mạnh quân sự và các cuộc đối đầu giữa nước lớn, và họ trở thành những người bênh vực dữ dội cho các thỏa hiệp ngoại giao.
Tuy nhiên, không phải mãi cho tới năm 1988 thì một trong số họ mới cởi mở và nói rõ ràng về hành động đạo đức giả của họ suốt nhiều thập kỷ và cả cái giá mà họ phải trả. Trong suốt sách Danger and Survival (tạm dịch ‘Hiểm nguy và Sống sót’), cố vấn an ninh quốc gia của Kennedy là McGeorge Bundy than rằng:
“Bí mật kiểu này đều có cái giá của nó. Bằng cách giữ cho riêng mình lời bảo đảm về Jupiter, chúng tôi đã đánh lừa các đồng nghiệp, người dân, người kế nhiệm và các đồng minh của mình”, khiến họ hiểu rằng “chỉ cần thể hiện quan điểm cứng rẵn vào ngày thứ Bảy đó đã là đủ rồi”. 26 năm che dấu một sự thật, nhưng rồi nó cũng được thừa nhận.
(Còn nữa…)
Lê Thu (theo FP)