Trung Quốc chi tiêu cho quốc phòng nhiều nhất khu vực châu Á; 7 chiếc tàu của lực lượng hải quân Trung Quốc có mặt trong "vùng biển gần đảo của Nhật Bản"... là những tin đáng chú ý trong ngày.

Nổi bật

Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), chi tiêu quân sự của các nước lớn châu Á tăng mạnh trong thập kỷ qua, dẫn đầu là Trung Quốc với ngân sách quốc phòng tăng gấp 4 lần kể từ năm 2000.

CSIS dẫn số liệu chính thức của Chính phủ Trung Quốc cho hay năm 2011, Trung Quốc chi 25,8 tỷ USD mua sắm vũ khí mới và cho việc nghiên cứu và phát triển liên quan, tăng mạnh so với 7,3 tỷ USD năm 2000.


Ảnh 1: Một cuộc diễn tập của Trung Quốc ở Hoàng Hải. (Ảnh: THX)

Tổng ngân sách quốc phòng của Trung Quốc trong giai đoạn từ năm 2000 - 2011 tăng từ 22,5 tỷ USD lên 89,9 tỷ USD. Tuy nhiên, các tính toán độc lập cho rằng, chi tiêu quân sự của Trung Quốc còn cao hơn nữa.

Năm 2005, chi tiêu quân sự của Trung Quốc đã nhiều nhất tại châu Á, vượt qua cả Nhật Bản. Hiện, trên thế giới, Trung Quốc chỉ đứng sau Mỹ, mặc dù mức ngân sách của Mỹ rất lớn, với hơn 600 tỷ USD mỗi năm.

CSIS cho biết, chi tiêu dành cho quốc phòng của Trung Quốc cùng với 4 quốc gia, vùng lãnh thổ khác ở châu Á đã tăng lên gấp đôi trong vòng 10 năm và sẽ vượt qua chi phí quốc phòng của châu Âu trong năm nay.

Cụ thể chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật, Hàn và Đài Loan năm 2011 đạt 224 tỷ USD, tăng gần gấp đôi so với tổng mức chi tiêu của năm 2000 và dự kiến sẽ vượt qua châu Âu vào cuối năm 2012.

Theo giới phân tích, sự trỗi dậy của Trung Quốc trong kinh tế toàn cầu đã khiến chi tiêu quân sự tăng vọt giữa lúc Bắc Kinh tìm cách tăng ảnh hưởng ngoài lãnh thổ nhằm bảo vệ khai thác tài nguyên và lợi ích trên biển.

Tin vắn

- Bộ Quốc phòng Nhật ngày 16/10 cho biết, 7 tàu của hải quân Trung Quốc đã có mặt trong "vùng biển gần đảo của Nhật Bản" thay vì các tàu dân sự như trước.

- Bốn người Nhật Bản đã bị tấn công khi đi ăn tại một nhà hàng ở Thượng Hải. Lãnh sự quán Nhật đã phải tái cảnh báo các công dân đang sống tại Trung Quốc.

- Không lực của Indonesia ngày 16/10 đã cho ngừng bay toàn bộ chiến đấu cơ Hawk 200, sau khi một chiếc bị rơi tại Pakanbaru, tỉnh Riau vào sáng cùng ngày.

- Linh cữu cựu quốc vương Campuchia Norodom Sihanouk, người đã từ trần tại Bắc Kinh ở tuổi 90 vào hôm 15/10, sẽ được quàn tại Phnom Penh trong ba tháng.

- Các nghị sĩ Israel ngày 16/10 đã tiến hành bỏ phiếu thông qua một dự luật, theo đó đồng ý giải tán quốc hội, và tổ chức cuộc bầu cử sớm vào ngày 22/1/2013.

- Hôm 16/10, Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Ahn Ho-young và người đồng cấp Mỹ William Burns đã tiến hành đối thoại chiến lược lần thứ 4 ở thủ đô Seoul.

- Theo tạp chí Der Spiegel, Tư lệnh Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran Mohammad Ali Jafari có kế hoạch gây thảm họa môi trường ở eo biển Hormuz.

- Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã chỉ trích kế hoạch tập trận chung vào tháng 11 tới của Nhật Bản và Mỹ tại Irisuna, một hòn đảo ở tỉnh Okinawa.

- Liên minh châu Âu (EU) đã phong tỏa tài sản của Bộ trưởng Năng lượng Iran Majid Namjoo, một phần trong loạt biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Tehran.

- Nga và Ấn Độ đang cùng nhau hợp tác thực hiện dự án chế tạo máy bay tiêm kích thế hệ thứ năm FGFA trị giá tới 12 tỷ USD, trong đó mỗi bên góp 6 tỷ USD.

Tin ảnh

Ảnh 2: Hiện trường vụ đánh bom hôm 15/10 tại Kirkuk ở phía bắc Iraq. (Ảnh: THX)

Nguồn tin cảnh sát Iraq cho biết, ít nhất 5 người chết và 29 người bị thương trong loạt tấn công ở phía bắc thủ đô Baghdad hôm đầu tuần.

Phát ngôn ấn tượng

Hôm 15/10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Belarus Andrei Savinykh kêu gọi, Liên minh châu Âu (EU) bỏ "tư duy trừng phạt" và áp dụng các biện pháp khôi phục lòng tin.

Ông Savinykh cho hay, quyết định của Hội đồng EU về kéo dài lệnh trừng phạt đối với Belarus đã đóng băng quan hệ giữa Minsk với EU ở mức không thể chấp nhận được.

Ngày này năm xưa

Nhà soạn nhạc thiên tài Ba Lan Frédéric Chopin (1/3/1810 - 17/10/1849) là người cách tân phương pháp biểu diễn piano trong lĩnh vực hòa âm và phối khí.

Thanh Vân (tổng hợp)