Không ai trong Câu lạc bộ Golf Đường Sắt ở trung tâm Nairobi còn nhớ liệu Barack OBama, Sr. - cha đẻ Tổng thống thứ 44 của nước Mỹ - từng chơi ở đây khi ông còn là một viên chức nhiều tham vọng những năm 1960. Có lẽ ông đã tham gia nhiệt tình vào tổ chức lâu năm nhất trong 6 tổ chức golf ở thành phố này.
Cha đẻ của Barack Obama là người Kenya - và năm 2006, Obama khi đó là thượng
nghị sĩ đã về quê thăm người thân của ông. Trong ảnh, Obama chào bà nội Sarah
Obama ở ngôi nhà vùng nông thôn phía tây Nairobi. |
Có thể nói, quang cảnh của Câu lạc bộ là một hệ sinh thái tự nhiên đối với nhà kinh tế được đào tạo ở Harvard này và đối với rất nhiều người trẻ tuổi vừa trở về từ những trường đại học danh tiếng nhất thế giới nhằm tiếp quản đất nước mới độc lập của họ.
Ký ức về Tiến sĩ Obama đang mờ dần, nhưng con trai ông là một người nổi tiếng ở Kenya. Từ các câu lạc bộ cho tới các khu phố đông người, Tổng thống Obama được nhắc đến đầy tự hào và hăng hái.
Bác sĩ Simeon Onyango hoạt động trong ngành dược và là một người hay đi đây đó. Ông nghĩ về thế giới của Tổng thống Obama: "Tôi tin rằng ông ấy xứng đáng được nhiệm kỳ 2. Chiến tranh vốn rất đắt giá, và với cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan, ông ấy đã làm được rất nhiều trong việc quản lý nó và trừ khử Osama [bin Laden]", Onyango nói tại Câu lạc bộ Golf Đường Sắt.
Thủ đô Kenya là một mảnh đất của những tương phản ấn tượng. Từ một quán bar trên nóc một tòa nhà ở Đường Mombasa - tuyến cao tốc chính chạy ra sân bay và nối ra bờ biển, đôi khi bạn có thể nhìn thấy một đàn trâu, hươu cao cổ hay sư tử từ xa. Một lần trong phút chốc, khi đàn báo lang thang qua làng và giết hại gia súc của người dân, các chiến binh Maasai đã cầm giáo và đuổi chúng đi. Đó là một thành phố còn muốn giữ liên hệ với thế giới hoang dã.
Kibera, khu ổ chuột lớn nhất ở Kenya, là quê hương của Obama. Ở đây, người dân ít cẩn trọng mà nồng nhiệt hơn về chính trị. Điều kiện sống của họ rất tồi tệ nhưng lại thu hút những người giàu từ khắp nơi trên thế giới đổ tới đây tham quan.
Một khu nhà ổ chuột ở phía nam nằm song song với Lavington, một trong những khu giàu có nhất của thành phố. Mỗi sáng, từng đám đông công nhân kéo nhau qua Lavington trong hành trình đi bộ 15km tới khu công nghiệp của thành phố.
Ở Kibera, câu chuyện của Obama gây tiếng vang có lẽ là bởi vì khi bạn ở đáy bùn, thứ duy nhất giúp cho bạn tiếp tục là một ước mơ: khu ổ chuột là nơi cho những sáng tạo đáng kinh ngạc trong điện ảnh, thơ ca và âm nhạc.
James Mwanzia, 25 tuổi, chủ cửa
hàng than - mặt hàng mà hàng nghìn hộ gia đình nghèo sử dụng để đun bếp. "Điểm
nhấn trong nhiệm kỳ của ông ấy là trừ khử Osama bin Laden, điều mà các tổng
thống khác đã không làm được", anh này nhận xét.
Al Qaeda và chi nhánh Al-Shabaab ở Somali - tổ chức đã thực hiện một chiến dịch
khủng bố ở Nairobi - rất bị căm phẫn ở đây.
Không giống như nhiều người
Kenya, Mwanzia không phải dậy từ lúc 4h sáng để xem cuộc tranh luận Tổng thống
Mỹ lần 2 trên Tivi. Kenya sẽ tổ chức tổng tuyển cử vào tháng 3 tới, và lần đầu
tiên, các cuộc tranh luận của các ứng viên Tổng thống đã được lên kế hoạch trước
ngày bầu cử.
Mwanzia cho biết anh sẽ xem các cuộc tranh luận ở đất nước mình.
Tuy nhiên, đối với người Hồi giáo Kenya, quan điểm về nước Mỹ phức tạp hơn.
Munir Mohammed Abbas, 35 tuổi, một cư dân khác ở Kibera, hết lòng ca ngợi Obama.
Ông miêu tả Tổng thống Mỹ là "nhà hùng biện giỏi với một kiến thức rất tốt về
các vấn đề quốc gia, đặc biệt là quản lý nền kinh tế" trước khi nói thêm: "Tôi
sẽ không bình luận về khủng bố".
Giữa những người Hồi giáo có sự
nghi ngờ rằng cuộc chiến chống al-Qaeda là nhằm vào tôn giáo của họ - và chiến
dịch của Mỹ nói về một cuộc xâm lược Iran cùng sự hỗ trợ nhiệt tình cho Israel
không phải là ý kiến hay ở các thánh đường.
Cảm xúc về cuộc bầu cử năm 2008 của Obama đã phai nhạt theo thời gian. "Sự nhiệt
tình dành cho Tổng thống Obama có lẽ chỉ bằng 40% so với năm 2008", Henry Owuor,
biên tập viên của Daily Nation, tờ báo lớn nhất Kenya, đánh giá. "Người ta từng
gọi và yêu cầu tôi xuất bản tranh ảnh và những câu chuyện của Obama. Giờ thì
không còn nữa". Năm 2008, Daily Nation cử một nhóm tường thuật bầu cử Mỹ; năm
nay, báo chỉ dựa vào các thông tín viên và các hãng truyền hình.
Nhận thức về nước Mỹ của người Kenya đã thay đổi theo năm tháng. Mỹ được công
nhận có vai trò rất lớn trong các vấn đề không chỉ của quốc gia mà còn cả ở khu
vực. Và giờ đây đang có một niềm tin ở Kenya rằng Mỹ sẽ dùng sức mạnh to lớn của
mình chỉ vì lợi ích của chính nước này - kiểu như một người bạn giàu có mang rất
nhiều đồ ăn đến dự tiệc nhưng không chia cho ai.
Thanh Hảo (Theo CNN)