Châu Á hy vọng Tổng thống Barack Obama sẽ đắc cử nhiệm kỳ tới, và kỳ vọng vào quan hệ tốt hơn với Mỹ trong chính quyền hứa hẹn sẽ "chuyển hướng" theo hướng châu Á giữa lúc lo ngại an ninh tăng cao.

Tổng thống Barack Obama và ứng viên Mitt Romney
Các quan chức chính phủ, nhà phân tích và giới doanh nghiệp đều theo dõi sát sao những tuyên bố của ứng viên Cộng hoà Mitt Romney với niềm tin rằng kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp của ông sẽ giúp cho các viễn cảnh kinh tế sáng sủa hơn tại Mỹ.
Toàn cảnh bầu cử Tổng thống Mỹ 2012
Vào ngày bầu cử 6/11, người dân Mỹ sẽ chọn ra tổng thống nhiệm kỳ mới 4 năm, tổng thống đương nhiệm Obama hay đối thủ đảng Cộng hòa Romney sẽ giành chiến thắng? 
 

Bên cạnh đó, họ cũng thấu hiểu việc tại sao ông Romney lại có chủ trương cứng rắn với Trung Quốc về mặt kinh tế và quân sự, và những gì có thể quan trọng đối với một khu vực đang đối mặt với các tranh chấp lãnh thổ.

Tuy nhiên, dường như đây sẽ là một sự ăn mừng trong lặng lẽ với việc kinh tế châu Á đang trên đà tăng trưởng trong một thế giới đầy rẫy bất trắc kinh tế, người thắng cuộc trong cuộc chạy đua Tổng thống Mỹ sẽ không có lựa chọn nào khác là phải hợp tác sâu hơn với khu vực này.

Một khảo sát trên hãng thông tấn của Pháp và Ipsos cho thấy 81,8% người Nhật nghĩ rằng Obama là Tổng thống tốt hơn, cho dù Romney tuyên bố rằng ông là một nhà kỹ trị giỏi hơn. Tại Ấn Độ, 36% số người được hỏi chọn Obama, còn 12% chọn Romney trong một khảo sát của BBC.

Chiều hướng trên cũng tương tự tại Australia. Nhưng còn tại quốc gia Hồi giáo Indonesia, người dân có vẻ kém nhiệt tình hơn với Obama, vì ngài Tổng thống dường như ít về thăm đất nước mà ông từng sinh sống và học tập, và những nỗ lực còn hạn chế trong việc thúc đẩy hoà bình tại Trung Đông.

23 tháng sau khi đắc cử, mãi tới tháng 11/2010 ông mới về thăm lại Indonesia. Obama "là một sự thất vọng hoàn toàn, đặc biệt là khi so sánh với những lời hứa khi tranh cử mà ông đưa ra nhằm giúp mang lại hoà bình và các giải pháp lâu dài cho cuộc xung đột Israel - Palestine" - tờ Jakarta Post viết.

Tuy nhiên, ở một số nơi trong khu vực vẫn còn tin tưởng rằng nhiệm kỳ thứ hai có thể giúp cho ông Obama mang lại những tin tốt cho hoà bình ở châu Á - Thái Bình Dương.

Trong bối cảnh Trung Quốc và Nhật Bản tranh cãi về nhóm đảo trên biển Hoa Đông, Nhật Bản đã tự nhủ rằng các quan chức trong chính quyền Obama đã nói hơn một lần rằng Mỹ sẽ bảo vệ quần đảo Senkaku/Điếu Ngư nếu như Bắc Kinh quyết định kiểm soát quần đảo. Và họ lo ngại rằng dựa trên những gì mà Romney hứa hẹn sẽ cứng rắn hơn với Trung Quốc, chính quyền Romney có thể yêu cầu Nhật không chỉ đóng góp nhiều hơn về mặt tài chính cho an ninh trong khu vực, mà còn phải đóng một vai trò lớn hơn thế.

Các quan điểm của cả Romney và Obama về mặt trận an ninh thường được theo dõi với lo ngại đặc biệt, khi mà châu Á đang chênh vênh trong các mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Tương tự, rất nhiều nền kinh tế đang dõi mắt vào tăng trưởng tại Bắc Kinh để cải thiện các viễn cảnh tăng trưởng của họ.

Cây bút kỳ cựu của Thái Lan là Kavi Chongkittavorn nói rằng Obama có thể giữ cương vị chỉ huy tốt hơn. Một Romney có quan điểm 'diều hâu' có thể không có lợi với Trung Quốc và làm hỏng sự cân bằng mà Thái Lan duy trì bấy lâu với các siêu cường.

Tiến sĩ Tang Siew Mun của Viện Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược có trụ sở tại Kuala Lumpur nói rằng châu Á phải sẵn sàng cho một giai đoạn mơ hồ nếu như Romney thắng cử. Ông Tang nói thêm rằng chính quyền Romney sẽ cần nhiều thời gian để ghi dấu ấn tại châu Á.

Tuy vậy, một số khác lại cho rằng ứng viên nào thắng cũng không mang lại nhiều khác biệt trong việc cải thiện viễn cảnh kinh tế trong khu vực.

Trong số đó có Đại sứ Nhật tại Washington là Ichiro Fujisaki, ông từ chối nói tên ứng viên nào được Nhật ủng hộ khi được tờ Washington Post hỏi.

"Đó cũng giống như một món quà Giáng Sinh vậy. Bạn không nói gì cho tới khi mở hộp quà ra. Và sau đó nói rằng 'Đó đúng là điều tôi muốn'" - Đại sứ Nhật trả lời một cách khéo léo.

  • Lê Thu (theo Straits Times)