Các lãnh đạo quân sự Israel đã tiến hành một cuộc tập trận mô phỏng một cuộc tấn công vào các cơ sở hạt nhân của Iran, ba ngày sau khi bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra. Họ lập luận rằng một chiến dịch như vậy có thể thực hiện được mà không lôi cả khu vực vào chiến tranh.


Ngày 24/9, tại Viện nghiên cứu an ninh quốc gia Israel ở Tel Aviv, khoảng ba chục người, cả nam và nữ, từ các đơn vị quân đội và bộ máy chính trị cấp cao của Israel đã gặp nhau để chơi trò trận giả. Kết quả của cuộc tập trận này sẽ giúp quyết định liệu Israel có tiến đánh Iran hay không.

Theo kế hoạch tập trận, cuộc tấn công sẽ diễn ra vào 9/11/2012, ngay sau khi bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra. Những người tham gia được chia làm 10 nhóm, mỗi nhóm đại diện cho một nhân tố trong cuộc xung đột - Israel, Iran, Mỹ, Nga, Hezbollah, Hamas,Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Syria và LHQ. Tất cả đều là người Israel.

Một cựu Thứ trưởng ngoại giao Israel giữ vai Netanyahu - người dẫn dắt nhóm Israel. Hai cựu bộ trưởng khác lần lượt đóng vai Obama và cựu đại sứ Israel tại Moscow giữ vai Putin.

Cuộc tập trận được lập ra để khám phá hậu quả có thể xảy ra nếu Israel tấn công phủ đầu Iran. Cuộc tập trận không nghiên cứu khía cạnh pháp lý hay các lập luận về mặt đạo đức của việc ủng hộ hay phản đối một cuộc tấn công vào Iran mà thay vào đó tập trung vào việc Iran sẽ trả đũa thế nào và hậu quả rộng lớn của nó ra sao

Cuộc tập trận bắt đầu khi những người trong cuộc được thông báo, đêm qua, trong một cuộc không kích bất ngờ, máy bay ném bom của Israel đã tấn công các cơ sở hạt nhân ở sâu trong Iran. Các báo cáo ban đầu cho thấy, Israel đã hành động một mình mà không hỏi ý kiến hay tìm sự hỗ trợ của Mỹ.

Phía Iran đáp trả cuộc không kích ngay lập tức bằng cách phóng một loạt tên lửa Shahab-3 (loại tên lửa dựa trên tên lửa Nodong 1 của Triều Tiên) vào các mục tiêu của Israel, gồm cả thành phố lớn nhất của Israel là Tel Aviv. Tiếp đó, Iran thảo luận về những mục tiêu chính trị.

Mong muốn tức thì của Iran là xây dựng lại chương trình hạt nhân. Ngoài ra, với tư cách mới là nạn nhân của một cuộc tấn công, một ưu tiên khác của Iran là các trừng phạt với nước này sẽ được dỡ bỏ và một số lệnh trừng phạt được áp đặt cho Israel vì "hành động vô cớ". Iran cũng quyết định viện trợ cho Jordan và Ai Cập để hủy hiệp ước hòa bình với Israel trước khi thảo luận về song đề chủ chốt: có tấn công các mục tiêu Mỹ hay không. Với ảnh hưởng đáng kể của Iran đối với Iraq và Afghanistan, không kể tới sự hiện diện hùng hậu của họ tại Vùng Vịnh, Iran có thể khiến Washington đau đầu.

Cuối cùng, quyết định của Iran là kiềm chế. Washington là sự phức tạp mà Iran không mong muốn. Nga - nước xây dựng nhà máy điện hạt nhân Busher cho Iran, cũng được liên lạc ngay tức thì để giúp Tehran dựng lại các cơ sở bị phá hủy và chuyển cho nước này tên lửa đất đối không S-300 cũng như một loạt máy bay Sukhoi 24.

Về mặt quân sự, Iran cố lôi kéo các đồng minh - nhóm Hezbollah ở Lebanon và Hamas tại Gaza, tham gia cuộc chiến với tư cách đại diện cho Iran. "Tất cả những gì chúng tôi giúp đỡ cho các vị trong suốt những năm qua là dành cho thời điểm hiện tại", một người Israel - cựu đại tá thuộc cơ quan tình báo quân sự - đóng vai Tổng thống Iran Ahmadinejad tuyên bố trong cuộc gặp với Hezbollah.

"Không có cái gì gọi là bữa trưa miễn phí", một trợ lý của người đóng vai Tổng thống Iran nói. Người Lebanon nói, họ vui vẻ khi giúp đỡ Iran nhưng theo cách mà Israel không dồn sự trả đũa lên Lebanon. Trong phòng, không khí vô cùng căng thẳng.

Trong khi đó, lãnh đạo Israel gặp gỡ Tổng thống Mỹ (người Israel không bình luận ai chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ ngày 6/11), người đang không hài lòng khi không được thông báo đúng lúc về cuộc tấn công Iran. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ vẫn lặp lại ủng hộ với Israel. Quan tâm hàng đầu của Washington - dường như là tránh để các hành động thù địch tại khu vực bất ổn nhất thế giới, leo thang. Mỹ nâng tình trạng báo động với các lực lượng của mình trên toàn khu vực Trung Đông.

Phía Israel nói rõ họ muốn gì từ phía đồng minh Mỹ. Điều quan trọng nhất là Washington ngăn Hezbollah và Hamas không đổ thêm dầu vào lửa. Israel cũng muốn tàu chiến Mỹ được vũ trang bằng hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis tới khu vực nhằm ngăn Iran dội tên lửa lên họ.

Cuối cùng, Israel yêu cầu Mỹ duy trì sức ép với Iran tại Hội đồng Bảo An Liên Hợp Quốc nhằm đảm bảo rằng Israel không trở thành nạn nhân của những nghị quyết một phía tại Liên Hợp Quốc.

Trên chiến trường, căng thẳng bao trùm. Do Iran tiếp tục nã pháo vào Israel, người dân bắt đầu rời Tel Aviv để đi về phía nam. Sợ Israel trả đũa, Hezbollah chỉ tấn công Israel một cách giới hạn vào phía bắc nước này.

Tuy nhiên, Israel cũng dự định sẽ tiến hành đợt không kích thứ hai vào các cơ sở làm giàu uranium của Iran. Đợt tấn công mới diễn ra trong vòng 24h sau đợt không kích thứ nhất. Cuộc không kích thứ hai dường như đã kết thúc cuộc tập trận của Israel. Trong lần không kích thứ 2, Iran dường như không đáp trả được, chỉ bắn vài quả tên lửa vào Israel, phần lớn bị tiêu diệt.

Khi trận chiến kết thúc, các cơ sở hạt nhân Iran hầu như bị phá hủy hoàn toàn. Hezbollah và Hamas không làm được gì nhiều ngoại trừ phóng vài rocket về phía Israel, trong khi tên lửa của Iran chỉ có hiệu quả giới hạn. Iran cũng thất bại trong việc yêu cầu quốc tế dỡ bỏ cấm vận. Ngoài ra, nhờ có Mỹ che chở tại HĐBA Liên Hợp Quốc, Israel không bị trừng phạt. Lúc này, ai thắng, ai thua đã rõ ràng.

Yehuda Ben-Meir, cựu thứ trưởng ngoại giao Israel, người đóng vai ông Netanyahu, tổng kết các diễn biến. "Thứ chúng ta có được đó là, sau cuộc tấn công, toàn thế giới đã quan tâm tới việc bình ổn khu vực".

  • Hoài Linh (Theo Telegraph)