Ngay sau khi tái cử, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ tới thăm Myanmar trong tháng này, Nhà Trắng cho biết.
TIN BÀI KHÁC:
Thêm sáu tin buồn cho Obama
Obama đã thay đổi bộ mặt nước Mỹ như thế nào?
Tổng thống Barack Obama tiếp bà Suu Kyi, lãnh đạo đảng đối lập của Myanmar, tại
Nhà Trắng hồi tháng 9 vừa qua. (Ảnh: Reuters)
Như vậy, Obama sẽ là Tổng thống Mỹ đầu tiên tới Myanmar.
Ông sẽ gặp gỡ người đồng nhiệm Thein Sein và lãnh đạo đối lập San Suu Kyi.
Ngoài Myanmar, ông cũng sẽ tới thăm Thái Lan và Campuchia trong chuyến công du kéo dài từ ngày 17 tới ngày 20, chứng tỏ ông muốn tăng cường cam kết của mình với khu vực.
Chính phủ Myanmar đã bắt đầu thực thi các cải cách về chính trị, kinh tế cùng nhiều lĩnh vực khác, một tiến trình mà chính quyền ông Obama muốn khuyến khích. Trước đó, vào tháng 12/2011, Ngoại trưởng Hillary Clinton đã trở thành quan chức cao cấp nhất của Mỹ tới Myanmar.
Chặng dừng chân Myanmar của ông Obama nằm trong một lịch trình đã được lên kế hoạch quanh hội nghị của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ở Campuchia, nơi còn có sự tham dự của các nhà lãnh đạo đến từ Trung Quốc, Nhật Bản và Nga.
Trong một thông điệp, phát ngôn viên Nhà Trắng Jay Carney cho biết, ông Obama dự định sẽ "trò chuyện với một xã hội dân sự để khuyến khích sự chuyển giao dân chủ đang tiếp diễn ở Myanmar.
Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Tổng thống
Obama sau khi ông tái cử. Nó phản ánh mong muốn của nhà lãnh đạo Mỹ muốn hướng
hơn nữa chính sách ngoại giao của nước này về phía châu Á - Thái Bình Dương
trong nhiệm kỳ 2. Trước đó, chưa có Tổng thống Mỹ đương nhiệm nào tới Myanmar
hoặc Campuchia.
Chuyến thăm của ông Obama cũng được cho là phản ánh mức độ quan trọng mà Mỹ đặt
vào việc bình thường hóa các mối quan hệ với Myanmar.
Tiến trình này đang diễn ra tương đối nhanh và nó tạo ra cho Mỹ cơ hội nắm giữ một vai trò lớn hơn trong khu vực và vì vậy, ít nhất cũng có thể chống lại một phần sự ảnh hưởng vượt trội của Trung Quốc.
Các cải cách đã được tiến hành ở Myanmar kể từ cuộc bầu cử hồi tháng 11/2010, chứng kiến một chính phủ quân sự được thay thế bởi một chính phủ dân sự được quân đội ủng hộ trên danh nghĩa.
Kể từ đó, nhiều tù nhân chính trị đã được trả tự do và các hoạt động kiểm duyệt được gỡ bỏ.
Đảng đối lập ủng hộ dân chủ của bà Aung San Suu Kyi cũng đã tham gia tiến trình chính trị sau khi tẩy chay các cuộc bầu cử năm 2010. Giờ đây, họ cũng có các đại diện trong Quốc hội sau chiến thắng bầu cử hồi tháng 4.
Đáp lại, Mỹ đã chỉ định một đại sứ chính thức tới Myanmar và ngưng các đòn cấm vận. Nước này cũng chuẩn bị nới lỏng lệnh cấm nhập khẩu hàng hóa từ Myanmar, một phần then chốt trong các lệnh cấm vận mà Mỹ vẫn duy trì với quốc gia châu Á này.
Thanh Hảo (Theo NY Times, BBC)