Mỹ và Thái Lan đã quyết định tăng cường quan hệ quốc phòng, giải quyết một số thách thức bao gồm việc hiện đại hóa quân đội Thái Lan.

Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan (bên trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ (phải) duyệt đội danh dự trong chuyến công du của Bộ trưởng Mỹ. Ảnh: Bangkok Post
Hôm qua, Thái Lan và Mỹ đã ký một tuyên bố chung về quan hệ đồng minh quân sự, trong đó có điều khoản Thái Lan hỗ trợ 'đảm bảo hiện diện' của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Trong khi đó, Mỹ hứa hẹn ủng hộ vị thế của Thái Lan trong khu vực, bao gồm cả trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và các thể chế khác của khu vực.

Theo chính sách đặt châu Á làm trọng tâm, Washington quyết định phân bổ quân đội tại khu vực này lên tới 60%. Mỹ đang tìm cách thúc đẩy sự hiện diện trong khu vực và tìm kiếm các đối tác hậu thuẫn cho chiến lược này.

Hai quốc gia đã xác nhận lại quan hệ đồng minh quân sự mật thiết nhưng tạm thời chưa nói nhiều đến việc đưa quân Mỹ trở lại Thái Lan.

Thỏa thuận giữa Mỹ và Thái Lan có tên gọi: "Tuyên bố tầm nhìn chung 2012 về Liên minh Quốc phòng Thái Lan - Mỹ: Một quan hệ đối tác an ninh thế kỷ 21" do Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Sukumpol Suwanatat và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta ký kết.

Tuyên bố trên đề cập tới quan hệ đồng minh quốc phòng giữa hai nước trong vòng hơn năm thập kỷ qua, với việc Thái Lan trở thành một đồng minh quan trọng (không thuộc khối NATO) của Mỹ từ năm 2004.

Quan hệ đồng minh này được mô tả là "một quan hệ đối tác thật sự của thế kỷ 21", tập trung vào bốn điểm chính:

- Đối tác vì an ninh khu vực tại Đông Nam Á

- Hỗ trợ cho sự ổn định ở châu Á - Thái Bình Dương và bên ngoài

- Tiềm lực và sự sẵn sàng về mặt đa phương và song phương

- Xây dựng quan hệ, hợp tác và phối hợp ở mọi cấp độ

Tuyên bố này nói thêm:  "sự ủng hộ của Thái Lan đối với hiện diện của Mỹ trong khu vực mang lại sự ổn định để châu Á - Thái Bình Dương phát triển thịnh vượng với các nguyên tắc thương mại cởi mở và tự do, một trật tự quốc tế công bằng, tuân thủ luật pháp, và các vùng biển chung, không gian chung, và lĩnh vực mạng chung được tiếp cận một cách cởi mở.

Tuyên bố này nói thêm rằng quan hệ đối tác này giải quyết một loạt các thách thức, trong đó bao gồm việc phản ứng lại với các thảm họa tự nhiên và nhân tạo, đối mặt với các mối đe dọa xuyên quốc gia, đóng góp vào hoạt động gìn giữ hòa bình toàn cầu, và giải quyết các vấn đề an ninh hàng hải.

Mỹ cũng hứa hẹn hỗ trợ hiện đại hóa quốc phòng cho Thái Lan và các yêu cầu về mặt huấn luyện đào tạo, bao gồm thông qua việc bán thiết bị quốc phòng Mỹ.

Tờ The Nation của Thái Lan cho rằng chuyến công du của ông Panetta tới Thái Lan nhằm tạo dựng các quan hệ an ninh trên khắp khu vực để đối trọng với sự trỗi dậy của Trung Quốc.

"Tổng thống Obama đã cam kết rằng Mỹ sẽ tiếp tục làm việc chặt chẽ hơn với các bạn hữu và đồng minh trong khu vực, bao gồm việc tham gia thông qua hoạt động ngoại giao, thông qua thương mại và các quan hệ quân đội với quân đội" - ông Panetta nói.

Chuyến thăm của ông Panetta tới Bangkok bao gồm các cuộc đối thoại trực tiếp đầu tiên giữa các bộ trưởng quốc phòng hai nước kể từ năm 2008.

  • Lê Thu (theo The Nation/CNA)