Trên kênh truyền hình số Một của Nga tuần qua có một động thái được cho là rất kỳ lạ, diễn ra chỉ ngay sau khi thông tin Tổng thống Obama tái đắc cử rõ ràng hơn. Đó là việc Đại sứ Mỹ tại Nga Michael A. McFaul ngồi trên một chiếc ghế, trông có vẻ rất dễ chịu, trong một chương trình đối thoại đêm muộn, và được đối xử rất trọng thị.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Barack Obama trong một cuộc hội đàm
Động thái này không khó để hiểu. Khi ông McFaul tới Moscow vào hồi giữa tháng Giêng, ông đã nhận được một sự chào đón không mấy gì vui vẻ trên truyền hình của Nga - đặc biệt nhất là trên một phân đoạn của Kênh số Một trong đó cáo buộc ông McFaul được gửi sang Nga để lật đổ chính quyền Vladimir Putin. Rõ ràng là những ngày êm ái của thời kỳ 'tái thiết' đã chấm dứt.

Nhưng một sự thay đổi bất ngờ trong giọng điệu như hồi cuối tuần qua, kết thúc các cuộc đối thoại chống Mỹ suốt 11 tháng qua khi ông Putin cáo buộc Bộ Ngoại giao Mỹ kích động phong trào biểu tình chống lại sự cầm quyền của ông. Sự thay đổi này có thể cảm nhận thấy rõ nhất trong Đại sứ quán Mỹ nơi mà các thương gia cấp cao của Nga thường từ chối các lời mời.

 Trái lại, bữa trưa hôm thứ Ba tuần trước tại dinh thự của ông McFaul lại có sự tham gia của gần chục các nhà công nghiệp và doanh nghiệp then chốt của Nga.

Có một điều mà không ai nghi ngờ, đó là một kênh truyền thông đã được mở ra giữa Moscow và Washington, ít nhất là trong một khoảng thời gian nhất định. Trước tiên, nó cho thấy có vẻ như các nhà chức trách của Nga đã cảm thấy nhẹ nhõm ghê gớm khi mà ứng viên Mitt Romney không thắng cử; và thứ hai là ở Nga, các cốt truyện có thể thay đổi và những lời lẽ nặng nề đã không còn nghe thấy khi các thỏa thuận đang được thu xếp.

"Đó là một mẫu hình chung, cả ở đây lẫn ở Mỹ - chiến dịch bầu cử là quãng thời gian mà bất kỳ một sự thảo luận mang tính lý trí đều chắc chắn không được nói đến" - Fyodor Lukyanov, biên tập viên phụ trách mảng nước Nga của Tạp chí Vấn đề Toàn cầu, nhận định. "Các bên điều hiểu rằng chiến dịch tranh cử là thứ gì đó rất đặc biêt. Do đo, bạn không cần phải để ý quá nhiều vào những gì đã được nói tới". (Trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ vừa rồi, ứng viên Mitt Romney đã gọi Nga là 'kẻ thù số một về địa chính trị' của Mỹ. Còn ông Obama đã ám chỉ rằng chính sách đối ngoại này đã lỗi thời và có vẻ như ông Romney muốn áp dụng lại các chính sách đối ngoại từ những năm 1980).

Ông Putin đã có một cách tiếp cận mang tính thực dụng khi làm việc với phía Mỹ, một thực tế có thể thấy rõ trong năm vừa qua. Ông chỉ trích việc mà ông cho là Bộ Ngoại giao Mỹ đã nhúng tay vào phe đối lập chính trị trong nước của Nga. Sau đó ông có các biện pháp để thể chế hóa các đối tượng nước ngoài không đáng tin cậy.

Nhưng cùng lúc đó ông cho phép NATO sử dụng sân bay của Nga làm căn cứ hậu cần để di chuyển binh sĩ và hàng hóa vào Afghanistan. Ông Obama cũng đã hoàn thành phần việc của mình nhằm cân bằng lại trong chính sách 'tái thiết' khi đề cập tới các nỗ lực song phương Mỹ - Nga tại Afghanitan, Iran và việc không phổ biến vũ khí hạt nhân.

Mặc dù danh sách các dự án song phương không nhiều như bốn năm trước đây, Nga đang ở một vị thế có thể mang lại cho Obama một điều gì đó mang tính chất nền tảng đối với di sản mà ông Obama rất mong muốn: đó là vòng đàm phán cắt giảm vũ khí hạt nhân thứ hai sâu sắc hơn. Các nhà đàm phán của Mỹ cho rằng Nga quan tâm tới việc cắt giảm kho vũ khí già nua của mình, một phần vì họ đang bỏ hàng nghìn tỉ rúp vào việc hiện đại hóa các lực lượng hạt nhân của mình.

Cho đến lúc này, phía Nga có nói rằng họ muốn nói về việc cắt giảm vũ khí chỉ khi nào họ có một đảm bảo rằng hệ thống phòng thủ tên lửa tại châu Âu đã lên kế hoạch sẽ có phạm vi không quá lớn đến mức có thể loại trừ tiềm lực đánh chặn hạt nhân của Moscow. Tuy nhiên, ông Charap - một người vừa mới rời khỏi Bộ Ngoại giao Mỹ - nói rằng giọng điệu của Nga có vẻ đang mềm mỏng hơn.

"Tôi nghĩ là họ đang chờ đợi chúng ta đặt thứ gì đó lên bàn. Và chờ 'sếp' của chúng ta phát biểu điều gì đó" - ông Charap nói.

Cũng trong tuần qua, ông Putin đã yêu cầu có cuộc gặp riêng với ông Obama trong một cuộc điện đàm. Ông Obama đã nhận lời mời tới thăm Nga. Và đây sẽ là cuộc gặp thứ ba giữa hai người.

Quan hệ giữa hai nguyên thủ Nga - Mỹ trở nên xấu hơn vào năm 2009 khi mà ông Obama công khai khen ông Medvedev trong khi hàm ý chê Putin khi nói rằng Putin "làm kinh doanh theo kiểu một chân cũ, một chân mới". Hồi tháng Năm vừa qua, ông Putin đã ngồi nhà khi hội nghị thượng đỉnh G-8 được tổ chức. Đây là cuộc họp mà ông Obama nói rằng ông muốn 'dành thời gian' cho vị lãnh đạo của Nga.

Nhiều người cho rằng ông Putin có vẻ thất vọng với phản ứng của phương Tây đối với quyết định của ông trở lại làm Tổng thống vào năm ngoái, và cả việc Washington chỉ trích cách ông xử lý các cuộc biểu tình chống chính phủ.

Nhưng các nhà phân tích nói rằng ông Putin thật sự tôn trọng ông Obama, một phần vì những gì xảy ra trong cuộc gặp đầu tiên giữa hai ông. Ông Dmitri V. Trenin, giám đốc Trung tâm Carnegie Moscow nói rằng: Obama đã rất yên lặng lắng nghe những lời phàn nàn của Putin về chính sách của Mỹ và cả các kế hoạch phòng thủ tên lửa tại châu Âu.

"Tôi không nghĩ là bản chất có phần dè dặt của ông Obama lại là một trở ngại trong việc hình thành nên một quan hệ vững chắc giữa hai người - nhưng không phải theo kiểu bạn thân. Còn đối với Putin, vấn đề then chốt cho một mối quan hệ lâu dài đó là: khi bạn hứa điều gì, bạn phải thực hiện nó"  - ông Trenin nhận định.

Còn giờ đây, Moscow đơn giản sẽ phải điều chỉnh lại một mối quan hệ hữu hảo mới. McFaul tuần qua luôn miệng nói lời cảm ơn tới Bộ Các tình huống khẩn cấp của Nga, khi họ hứa chuyển 27 tấn chăn cho các nạn nhân của Siêu bão Sandy, và tới cả những người xem truyền hình viết những lời ngợi khen ông sau khi xuất hiện trên bản tin truyền hình lúc đêm muộn đó.

Biên tập viên Lukyanov nói rằng việc hai nước tận hưởng 'tuần trăng mật' cũng là một ý hay. Ông này cũng nói rằng trong một kỷ nguyên hậu Liên Xô, các lãnh đạo Nga và Mỹ phải thực hiện một điều gì đó theo đúng trình tự sau bầu cử để tạo ra một điều gì đó tốt cho cả hai. Nhưng Lukyanov nói rằng điều này thường không kéo dài được lâu.

"Nếu chúng ta nhìn vào mối quan hệ [giữa hai nước] từ năm 1991 trở lại đây, đó lúc nào cũng là một vòng tuần hoàn giữa những lời lẽ tốt đẹp, rồi tới sự truyền cảm hứng và rồi tới khủng hoảng sâu sắc. Yeltsin, Clinton, Bush, Putin, Obama - đó là một mô hình giống hệt nhau" - Lukyanov nói.

  • Lê Thu (theo NYTimes)