Khi những món ăn cuối cùng của tiệc cưới được dọn đi và các vị khách cuối cùng ra về, thời khắc đó đã tới. Đó là thời điểm mà mỗi thiếu nữ Trung Quốc đã trưởng thành đều nghe nói nhưng chưa từng có kinh nghiệm cho tới tận đám cưới của chính mình: việc kiểm tiền mừng.


Theo truyền thống, các vị khách tới dự đám cưới của người Trung Quốc thường trao cho cô dâu chú rể tiền mừng trong phong bì màu đỏ như một biểu hiện của chúc may mắn. Tuy nhiên, trong các năm gần đây, toàn bộ ý tưởng trao phong bì tiền mừng màu đỏ tại đám cưới dường như đã trở thành một hoạt động kinh doanh đầy rủi ro.

Tranh luận bùng nổ và tình bạn bị hủy hoại.

Tháng trước, một cô dâu mới đã để lại tin nhắn trên trang Facebook của một người bạn rằng cô không nhận được tiền mừng của anh ta tại tiệc cưới. Ai đó đã chụp màn hình về tin nhắn trên và bình luận về nó. Thông tin về vụ này sau đó đã lan rộng.

Trong khi nhiều người cho rằng cô dâu trên thật quá đáng thì cũng có người tỏ ý đồng tình rằng, cưới xin hiện giờ quá tốn kém và các vị khách nên giúp cô dâu chú rể phần nào về tài chính.

Một quản lý tiếp thị tên là Rachel Tan, 25 tuổi, mới kết hôn cho hay, cô phải kiểm tra danh sách khách mời một lần nữa khi kiểm tiền mừng. "Tuy nhiên, trên tất cả, để tôi có thể biết tôi nên đi bao nhiêu khi tới đám cưới của họ".

Trang web chuyên về đám cưới Perfectweddings.sg đã công bố mức giá tiền mừng theo thị trường, liệt kê khoảng 50 khách sạn được ưa chuộng và số tiền một vị khách nên mừng khi dự cưới ở các khách sạn đó.

Chuyên gia tổ chức tiệc cưới Renee Leung, người sáng lập The Wedding Butler, cho biết, các cặp đôi nên có những nhận thức thực tế về đám cưới họ muốn tổ chức, và nên biết rõ khả năng của mình tới đâu. Bà Leung, người đã có kinh nghiệm hơn 15 năm trong ngành cho hay, các cặp vợ chồng mới cưới thường bị sốc khi kiểm chi phí những thứ tưởng chừng rất nhỏ.

Chuyên gia về phép xã giao Suzenne Zheng nói, không mang quà tới lễ cưới là thô lỗ nhưng không nên quá coi trọng trị giá món quà. "Khi bạn mời ai đó tới dự tiệc cưới của mình, thì đó là để họ mừng ngày vui của bạn. Không nên kỳ vọng họ phải trả tiền cho những gì bạn làm".

Một vài người trả lời phỏng vấn tờ The New Paper cho biết, trong khi họ đồng ý rằng không nên kỳ vọng khách mời giúp thanh toán hóa đơn tiệc cưới, thì họ vẫn cố mừng theo giá thị trường khi đi dự tiệc.

Charmaine Wee, 31 tuổi, sắp thành cô dâu cho biết, cô không coi tiền mừng là chi phí khôi phục lại được khi tổ chức cưới. Giáo viên này cũng khẳng định không đổ lỗi cho khách khi họ không mừng theo giá thị trường. "Tôi và chồng sẽ không yêu cầu khách ghi tên họ trên phong bì. Tuy nhiên, tôi đã tới những đám cưới mà khách mời phải ghi tên họ lên phong bì tiền mừng".

Cô Wee, đã đi dự nhiều đám cưới, cho hay, cô hiểu những khó khăn mà các cặp đôi gặp phải khi trang trải chi phí đám cưới, vì thế cô thường mừng 120 đô cho những người không thân lắm nếu ăn cưới vào buổi tối, và 100 đô cho tiệc trưa. Wee không tiết lộ số tiền mừng mà cô trao cho bạn bè thân.

Cô Renee Leung, người sáng lập The Wedding Butler cho biết, có một công thức nhỏ để tính toán mức thị trường cho tiền mừng. "Mọi người thường xem tiệc cưới tổ chức ở đâu và một bữa tối giá bao nhiêu tiền một người. Sau đó, bạn cho thêm tiền vào mức giá đó, dựa trên quan hệ của bạn với cô dâu, chú rể".

Với những ai luôn gắn với định nghĩa "giá thị trường" khi bỏ tiền mừng thì nếu tiệc cưới tổ chức ở nhà hàng - không phải khách sạn, hoặc tiệc cưới theo phong cách buffet, tiền mừng sẽ ít hơn. Nếu dự cưới ở khách sạn 6 sao với đầu bếp nổi tiếng, một ban nhạc 10 người và tượng băng đăng, thì bạn sẽ mừng nhiều hơn.

  • Hoài Linh (Theo New Paper)