Bảy năm trước, Isabelle Dinoire trở thành người đầu tiên trên thế giới trải qua một ca ghép mặt. Trong cuộc phỏng vấn hiếm hoi, cô tiết lộ những năm tháng sống trong sự tò mò thọc mạch của người khác và khát khao được gặp gia đình ân nhân.

Isabelle Dinoire trước khi bị thương (trái), ngay sau khi phẫu thuật (giữa) và vào năm 2009.

 

 

"Điều khó khăn nhất là tự tìm lại chính mình, là con người tôi khi xưa, với khuôn mặt của mình trước vụ tai nạn. Nhưng tôi biết điều đó là không thể", người mẹ 2 con sống ở miền bắc nước Pháp kể. "Khi tôi nhìn vào gương, tôi thấy một sự pha trộn của hai người (chúng tôi). Ân nhân luôn bên cạnh tôi". Ngừng lại giây lát, cô tiếp tục: "Cô ấy đã cứu đời tôi".

Dinoire, 45 tuổi, thường xuyên từ chối các yêu cầu của báo chí và hiếm khi đồng ý cho chụp ảnh. Cô có vẻ thoải mái và tự tin, song thảm kịch năm xưa đã in hằn dấu vết, cả về thể chất lẫn tinh thần. Cô vẫn còn một vết sẹo rõ chạy từ phía trên mũi xuống dưới cằm, nơi các bác sĩ đặc biệt tại Bệnh viện trường Đại học Amiens ở bắc nước Pháp đã mất 15 giờ đồng hồ để ghép mặt của người hiến tặng cho cô. Một mắt của cô bị sụp nhẹ.

Bày tỏ với một chút e ngại, Dinoire nhớ lại lần cô dùng thuốc ngủ quá liều với ý định tự tử vì cảm thấy vô cùng chán nản hồi tháng 5/2005. Khi tỉnh dậy, cô thấy mình đang ở nhà, nằm bên cạnh một vũng máu, với chú chó cưng Labrador bên cạnh. Con chó dường như phát hiện ra chủ bất tỉnh, và cố đánh thức cô nên nó đã gặm nát khuôn mặt cô.

"Tôi thậm chí không thể tưởng tượng được đó là mặt tôi hay máu tôi - hoặc chính con chó cưng đã cắn nát mặt tôi", cô kể lại.

Các vết thương ở mồm, mũi và cằm kinh khủng tới mức các bác sĩ ngay lập tức loại bỏ khả năng dựng lại khuôn mặt bình thường. Thay vào đó, họ đề nghị phẫu thuật cấy ghép mặt.

"Ngay từ đầu, khi nhìn mình trong gương sau ca phẫu thuật, tôi đã biết đó là thành công. Trông không ổn lắm lúc đó vì tất cả đều băng bó, nhưng tôi có mũi, tôi có miệng - thật kỳ diệu. Tôi có thể thấy trong mắt những người y tá rằng đó là một ca thành công". Lúc đó, không thể nói được do cô được phẫu thuật mở khí quản phục vụ cho cấy ghép, cô thì thầm "Cám ơn".

Tuy nhiên, niềm vui ấy ngắn chẳng tày gang. Cô hoàn toàn không ngờ được mình trở thành tâm điểm chú ý của dư luận sau ca phẫu thuật. Bị báo chí săn đuổi, bị người khác nhòm ngó, Dinoire không ra khỏi nhà nhiều tháng trời sau ca phẫu thuật.

"Thật là đau khổ. Tôi sống ở một thị trấn nhỏ, vì vậy mọi người biết câu chuyện của tôi. Lúc đầu tất cả không hề dễ dàng. Trẻ nhỏ thì cười cợt tôi, còn ai cũng nói: "Nhìn kìa, cô ấy đấy, cô ấy đấy". Và Dinoire cảm thấy mình giống như một "con vật làm xiếc".

Giờ đây, mọi người xung quanh thị trấn vẫn nhận ra Dinoire nhưng sự chú ý đó không còn "tàn nhẫn" như trước kia. "Với thời gian, tôi cũng đã quen với khuôn mặt của mình. Đó chính là diện mạo của tôi, là con người tôi. Nếu mọi người cố ý nhìn chằm chằm thì tôi không quan tâm nữa, tôi cũng nhìn lại họ", cô kể.

"Tôi soi gương và nghĩ về cô ấy - và tôi tự nhủ rằng tôi không được phép từ bỏ". Nhưng liệu tính tình có thay đổi như diện mạo bên ngoài không? "Không", cô trả lời ngay lập tức. "Tôi vẫn vậy thôi, chỉ có khuôn mặt là khác".

Theo giáo sư Sylvie Testelin, một thành viên trong nhóm phẫu thuật cho Dinoire ở Amiens, không phải tất cả các bệnh nhân có khuôn mặt bị thương nặng đều có cơ hội được cấy ghép. Vào năm 2005, không ai thực sự chắc chắn về những tác động lâu dài đối với bệnh nhân khi dùng tổng hợp các loại thuốc đến hết đời để cơ thể không đào thải mô mới.

Nhưng trường hợp của Dinoire - và hai người khác ở Pháp đã được cấy ghép thành công sau đó thì lợi ích vượt xa rủi ro.

"Không ai có thể tưởng tượng được sẽ sống như thế nào nếu không có mặt. Cô ấy (Isabelle) có thể. Nhưng chúng tôi phải chắc chắn điều đó hợp với bệnh nhân", Giáo sư Testelin cho hay. Trên toàn thế giới có hàng chục ca cấy ghép thành công tương tự - ở Mỹ, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc. "Bạn không thể tưởng tượng được số người muốn cấy ghép, nhưng đó không phải là một trò chơi hay một cuộc đua", bà nói.

Một ngày nọ, Dinoire sẽ phải đối mặt với khả năng chính cơ thể cô đào thải khuôn mặt mình, theo giáo sư Testelin. Là bác sĩ của cô, bà phải chuẩn bị cho điều này - mặc dù bà hy vọng sẽ không bao giờ có ngày đó.

Giờ đây Dinoire lạc quan hơn về tương lai của cô. "Tôi tự nhủ rằng mọi thứ sẽ ổn. Nếu tôi uống thuốc đầy đủ, mọi thứ sẽ trở nên tốt đẹp".

Dinoire dành thời gian thăm hỏi gặp gỡ bạn bè thân và đi dạo với con chó mới của mình. Cô cho biết cô liên tục nghĩ về người phụ nữ đã cho cô khuôn mặt. Ngay sau ca phẫu thuật, cô đã lướt web để tìm kiếm chi tiết về người hiến tặng ẩn danh - theo luật của Pháp thì cô không bao giờ được biết danh tính của người đó.
"Khi tôi cảm thấy chán nản, hoặc phiền muộn, tôi lại soi gương và nghĩ về cô ấy. Và tôi tự nhủ tôi không được phép đầu hàng. Cô ấy đã cho tôi hy vọng".

Dinoire muốn có thể gặp được gia đình ân nhân vào một ngày nào đó để cảm ơn họ về những gì cô mô tả là "sự hiến tặng mầu nhiệm".

Thanh Hảo (Theo BBC)