Sau kết luật của Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc thứ 18, một Ủy ban Thường trực Bộ Chính trị Trung Quốc - cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản - với các gương mặt mới đã được xướng tên.
Tân Tổng Bí thư Trung Quốc Tập Cận Bình |
Để trả lời câu hỏi trên, có thể nhắc lại đánh giá của Chu Ân Lai đối với các biến động xã hội tại Pháp năm 1968, đó là 'còn quá sớm để nói điều gì'. Các bối cảnh của các cá nhân này có quá ít dấu hiệu (nếu có) để có thể làm sáng tỏ xem liệu Trung Quốc có thông qua một cách tiếp cận quan hệ quốc tế mới trong năm hoặc mười năm nữa hay không.
Có một số lý do giải thích cho việc đánh giá chính sách đối ngoại của Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình là 'quá sớm', mặc dù Tổng Bí thư Tập Cận Bình sẽ không phải là người đứng đầu nhà nước, Chủ tịch nước, cho tới Đại hội Nhân dân Toàn quốc vào tháng Ba năm 2013.
Bên cạnh đó, hiện vẫn chưa rõ ai sẽ giữ các vị trí then chốt trong hệ thống chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Khoảng trống quan trọng nhất sẽ cần được lấp là người đứng đầu nhóm lãnh đạo công tác Ngoại sự Trung ương (CFAO). Vị trí đó hiện nay đang do Đới Bỉnh Quốc nắm giữ, ông Đới đang được coi là một trong những quan chức cấp cao nhất về mặt chính sách đối ngoại, sau Tổng Bí thư.
CFAO sắp xếp các chính sách trong nội bộ đảng và nhà nước và cung cấp nghiên cứu và gợi ý về mặt chính sách đối ngoại cho các lãnh đạo cấp cao. Các vị trí then chốt nữa được để mắt là Bộ trưởng Ngoại giao, lãnh đạo Văn phòng Các vấn đề Đài Loan và vị trí đứng đầu của Cơ quan Liên lạc Quốc tế của Đảng.
Sau cùng, ông Tập và Ủy ban Thường trực Bộ Chính trị có thể chưa cho thực thi các sáng kiến của riêng họ trong khoảng một hoặc hai năm đầu - cho tới chừng nào mà các vị trí then chốt được bổ khuyết, các mối quan hệ trong công việc được định hình trong nhóm các lãnh đạo mới, và quyền lực được củng cố.
Trong bối cảnh đó, các manh mối tốt nhất thể hiện chính sách đối ngoại của Trung Quốc dưới thời Tổng bí thư Tập có thể được tìm thấy trong báo cáo công việc rất dài mà Tổng bí thư mãn nhiệm Hồ Cẩm Đào đã phát biểu trong phiên khai mạc đại hội.
Với vô số các khẩu hiệu xã hội và biệt ngữ chính trị Trung Quốc chồng chất, báo cáo đã tổng kết những gì mà Đảng Cộng sản tin rằng họ đã đạt được kể từ đại hội lần trước và vạch ra các nguyên tắc để dẫn dắt công việc của đảng cho tới đại hội kế tiếp. Nhất quán với hoạt động trước đó, tân Tổng bí thư Tập Cận Bình đã giám sát việc soạn thảo nên báo cáo của năm nay.
Báo cáo này là một thông điệp hỗn hợp các vấn đề thuộc chính sách đối ngoại. Mặt khác, báo cáo nhấn mạnh rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục hối thúc các chính sách vốn dấy lên lo ngại và căng thẳng tại Đông Á. Về phần 'tiến bộ sinh thái học', ông Hồ Cẩm Đào kêu gọi Trung Quốc trở thành một 'cường quốc biển'.
Đặc biệt, ông Hồ Cẩm Đào nói rằng đảng nên 'củng cố tiềm lực khai thác các tài nguyên biển, phát triển kinh tế biển, bảo vệ môi trường sinh thái biển, kiên quyết bảo vệ các quyền và lợi ích biển của Trung Quốc, và xây dựng Trung Quốc trở thành một cường quốc biển'.
Nói cách khác, kỳ vọng lớn hơn vào hoạt động của Trung Quốc tại vùng biển châu Á, bao gồm cả việc tăng cường khai thác cá và cả tài nguyên hóa thạch trong các vùng biển tranh chấp và sự hiện diện nhiều hơn của các cơ quan thực thi luật biển dân sự, bao gồm lực lượng Hải giám Trung Quốc, Chỉ huy Thực thi luật Ngư nghiệp và Cơ quan An toàn Biển.
Phần chính sách quốc phòng đã cho thấy rằng việc hiện đại hóa toàn diện các lực lượng vũ trang của Trung Quốc sẽ vẫn tiếp tục. Về phần này, báo cáo đã kêu gọi phát triển một quân đội 'tương xứng với vị thế quốc tế của Trung Quốc' để giải quyết 'các vấn đề đan xen tác động đến an ninh sống còn và phát triển cũng như các mối đe dọa truyền thống và phi truyền thống'.
Mặt khác, phần trình bày về vấn đề đối ngoại của báo cáo chứa đựng một khả năng mơ hồ về 'tư duy mới' có thể trở nên nổi bật hơn trong vài năm tới đây. Đặc biệt, báo cáo vạch ra việc Trung Quốc sẽ làm thế nào để nỗ lực 'thiết lập một dạng quan hệ mới ổn định và tốt đẹp lâu dài với các quốc gia trọng yếu khác'.
Cụm từ 'một dạng quan hệ mới' lặp lại cách nói đã từng xuất hiện lần đầu tiên trong bài phát biểu của ông Hồ Cẩm Đào trong sự kiện Đối thoại Kinh tế và Chiến lược Mỹ - Trung lần thứ Tư vào tháng 5/2012. Cốt lõi của khái niệm này là sự thừa nhận tình thế tiến thoái lưỡng nan về mặt an ninh và nhu cầu tránh các xung đột đặc thù đi kèm với quá trình chuyển giao quyền lực trong nền chính trị thế giới.
Mặc dù vẫn đang trong quá trình hình thành nhưng việc đưa cụm từ mới này vào báo cáo công việc của đại hội cho thấy ưu tiên này đã được gắn kèm để phát triển. Dựa trên các biểu thị rõ ràng về cuộc xung đột giữa Mỹ và Trung quốc đối với khu vực thì khía cạnh này rất đáng lưu tâm và khuyến khích.
Cuối cùng, báo cáo đã nhấn mạnh vào sự thống trị của hầu hết các nhân tố quan trọng nhất trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc: đó là chính trị đối nội. Chỉ có 10% của báo cáo đề cập tới các vấn đề liên quan tới bên ngoài (chẳng hạn như chính sách quốc phòng, Đài Loan và chính sách đối ngoại).
Phần còn lại của báo cáo nhận mạnh các thách tức kinh tế và xã hội mà Đảng Cộng sản Trung Quốc phải đối mặt - đại để vừa khớp với thời lượng mà các lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc dành cho các vấn đề đối ngoại. Theo chiều hướng này thì chính sách đối ngoại của Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình có thể vẫn duy trì theo hướng phản ứng trở lại như trước đó, và sẽ không mang tính chất tiên phong thực hiện.
- Lê Thu (theo Diplomat)