Một quan chức Israel xác nhận thông tin rằng Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã quyết định xây thêm 3.000 đơn vị nhà ở nữa ở Đông Jerusalem và Bờ Tây để đáp trả thành công của Palestine tại Liên Hợp Quốc.

TIN BÀI KHÁC:


Vực thẳm giữa Israel và người Palestine về xây dựng các khu định cư vẫn rất lớn. (Ảnh: Getty)

Quyết định trên được đưa ra chưa đầy một ngày sau khi Đại hội đồng Liên Hợp Quốc bỏ phiếu nhất trí nâng cấp vị thế của Palestine lên thành một nước quan sát viên phi thành viên của Liên Hợp Quốc.

Mỹ nói rằng kế hoạch mở rộng của Israel sẽ phản tác dụng và sẽ khiến cho việc nối lại các cuộc hòa đàm khó khăn hơn. "Chúng tôi nhắc lại lập trường phản đối lâu nay đối với các khu định cư và việc xây dựng ở Đông Jerusalem", phát ngôn viên Nhà Trắng Tommy Vietor nói.

Trước đó, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas kêu gọi chấm dứt xây dựng các khu định cư và trở lại bàn đàm phán.

Theo một quan chức Israel giấu tên, một số đơn vị nhà ở mới sẽ được xây dựng giữa Jerusalem và khu định cư Maaleh Adumim.

Các kế hoạch nhằm xây dựng các khu định cư trong khu vực, được biết đến là E1, đã bị người Palestine phản đối mạnh mẽ. Họ nói rằng điều này sẽ chia cắt Bờ Tây thành hai nửa, cản trở việc thành lập một nhà nước Palestine thống nhất.

Trước đó, Israel cam kết sẽ đóng băng dự án E1 như một phần các cam kết của nước này theo lộ trình quốc tế tiến tới hòa bình được khởi động năm 2003.

Động thái mới của Israel là dấu hiệu đầu tiên thể hiện sự giận dữ của Nhà nước Do Thái, chưa đầy 24 giờ đồng hồ sau cuộc bỏ phiếu về vị thế của Palestine tại Liên Hợp Quốc. Người Palestine có thể đã đoán trước được điều này nhưng nó chứng tỏ rằng vực thẳm giữa hai bên về vấn đề định cư vẫn rất lớn.

"Đó là hành động hiếu chiến của Israel chống lại một nhà nước, và thế giới cần phải có trách nhiệm", một quan chức Palestine cấp cao, Hanan Ashrawi, cáo buộc.

Trong tháng 11, một tài liệu của Bộ Ngoại giao Israel mô tả việc Palestine thúc đẩy cuộc bỏ phiếu là "vượt qua giới tuyến đỏ mà sẽ cần đến phản ứng gay gắt nhất của Israel".

Khoảng 500.000 người Do Thái hiện đang sống ở hơn 100 khu định cư được xây kể từ khi Bờ Tây và Đông Jerusalem bị chiếm đóng. Các khu định cư này được xây không tuân theo luật pháp quốc tế.

Ngày 29/11, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã bỏ phiếu với tỷ lệ 138-9 công nhận Palestine là một nước quan sát viên phi thành viên, với 41 nước bỏ phiếu trắng. Sau kết quả này, người Palestine có thể giam tha các cuộc thảo luận của Liên Hợp Quốc và có thể tham gia các tổ chức như Tòa án Hình sự quốc tế (ICC).

Phát ngôn viên chính phủ Israel Mark Regev nói rằng cuộc bỏ phiếu của Liên Hợp Quốc là "kịch bản chính trị tiêu cực" mà sẽ "làm tổn hại hòa bình". Tuy nhiên, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas khẳng định đây là "cơ hội cuối cùng để cứu một giải pháp hai nhà nước" với Israel.
Hai thập niên đàm phán ngắt quãng giữa Israel và chính quyền Palestine (PA) ở Bờ Tây đã không thể tạo ra được một thỏa thuận lâu dài, với vòng đàm phán trực tiếp mới nhất đổ bể năm 2010.

Hồi tháng 1, một vài tháng "hội đàm gần gũi" gián tiếp đã kết thúc mà không đạt tiến bộ nào.

Các nhà đàm phán Palestine khẳng định việc xây dựng các khu định cư Do Thái trên vùng đất chiếm đóng phải dừng lại trước khi họ nhất trí nối lại đối thoại trực tiếp. Phía Israel tuyên bố không thể có điều kiện tiên quyết nào.

Tổng thống Abbas bị nhiều người Palestine chỉ trích vì đã đứng bên lề cuộc xung đột giữa phong trào Hamas và Israel ở Gaza hồi đầu tháng 11.

Thanh Hảo (Theo BBC, Telegraph)