- Cuộc đua vào Nhà Xanh (phủ Tổng thống) Hàn Quốc đang bước vào giai đoạn nước rút khi chỉ còn hơn ba tuần nữa là bỏ phiếu bầu.
Từ trái qua: ứng viên Park Geun Hye và Moon Jea
In |
Theo thăm dò dư luận mới đây nhất do tờ Chosun Ilbo tiến hành, hiện có 43,5% người ủng hộ việc có nữ Tổng thống đầu tiên, còn ứng viên Moon Jae In có 39,9% tỉ lệ ủng hộ. Trước đó, ứng viên tiềm năng khác là Ahn Cheol Soo đã rút lui và dành số phiếu của mình cho ông Moon.
Chia rẽ về kinh tế
Bài toán khó nhất cho Tổng thống Hàn Quốc nhiệm kỳ này là quản lý nền kinh tế lớn thứ Ba của châu Á. Nhưng vấn đề cho các cử tri hiện nay là hai ứng viên dẫn đầu lại có chủ trương kinh tế khác hẳn nhau, gây nên sự chia rẽ rất lớn trong luồng phiếu bầu.
Bà Geun Hye là con gái cố Tổng thống Park Chung Hye, người từng là một nhà độc tài (như chính bà Geun Hye thừa nhận), nhưng ông cũng chính là người đã tạo nên bước ngoặt thần kỳ cho nền kinh tế Hàn Quốc - từ một quốc gia nghèo nàn về tài nguyên sau chiến tranh trở thành nền kinh tế lớn của châu Á.
Park Geun Hye hiểu rõ những sai lầm trong chính sách độc tài của cha và không ít lần bà phải đứng ra xin lỗi người dân về những khiếm khuyết đó. Nhưng mặt khác, Park Geun Hye lại có được ưu thế từ những bài học chính trị đã được tiếp thu từ cha trong suốt thời gian cha cầm quyền.
Đồng thời, không thể phủ nhận việc bà có lợi không nhỏ khi là người kế thừa các thành quả của cha trong việc đưa Hàn Quốc trở thành một cường quốc kinh tế. Chính vì vậy, quan điểm của bà Park là ủng hộ phát triển kinh tế.
Theo số liệu từ Bộ Kinh tế Tri thức Hàn Quốc, kim ngạch thương mại nước này trong năm 2012 sẽ đạt khoảng 1000 tỷ USD. Như vậy, Hàn Quốc trở thành một trong tám quốc gia có kim ngạch thương mại lớn nhất thế giới.
Còn ứng viên Moon Jae In lại tập trung vào việc phân bổ lại thu nhập. Ông Moon là chính trị gia theo đường lối trung tả, chủ trương tăng thu nhập xã hội để cải thiện đời sống nhân dân. Chính sách kinh tế của ông là hạn chế quyền lực của các tập đoàn lớn, và tăng thuế cho người giàu.
Hiện nay, vấn đề gia tăng nợ của các hộ gia đình và tăng trưởng kinh tế đang chậm và có nguy cơ chững lại là một trong những thách thức nan giải nhất tại Hàn Quốc.
Sự mâu thuẫn lớn nhất giữa hai ứng viên này nằm ở bối cảnh sống của cá nhân hai người, đây cũng là một điểm khiến cho chính sách của họ trong phát triển kinh tế đối lập với nhau.
Chẳng hạn, bà Park là con gái của cựu Tổng thống, nên cuộc sống từ nhỏ đã ở trong môi trường nhung lụa là Nhà Xanh. Còn ông Moon lại xuất phát từ bối cảnh nghèo khổ. Trong chiến dịch tranh cử, ông Moon nói rằng bối cảnh xuất thân như vậy nên bà Park không thể hiểu được nỗi thống khổ của những người dân nghèo.
Theo công bố điều tra tài sản của các ứng viên hiện nay, bà Park có tài sản trị giá 2 triệu USD, còn ông Moon là 1 triệu USD. Thêm vào đó, ông Moon đã phải trải qua những ngày tháng tù đày trong thời gian cha của bà Park cầm quyền.
Một thách thức không nhỏ cho bà Park với tư cách là thành viên của Saenuri là phải làm trong sạch lại hình ảnh của đảng này sau khi một loạt bê bối liên quan tới tài chính của người nhà Tổng thống Lee bị báo chí làm rùm beng.
Chung quan điểm đối ngoại
Vấn đề gây đau đầu không kém là quản lý mối quan hệ với Triều Tiên trong bối cảnh căng thẳng giữa biên giới ngày càng gia tăng. Nói một cách khác, Triều Tiên đang là một 'phép thử' mang tính sống còn cho chính sách đối ngoại của Tổng thống Hàn 5 năm tới đây.
Ngay từ sau lễ nhậm chức, ông Lee đã cắt giảm viện trợ cho Triều Tiên, và duy trì chính sách 'diều hâu' với người láng giềng. Năm năm Tổng thống Lee cầm quyền là quãng thời gian chứng kiến quan hệ nam bắc trên bán đảo Triều Tiên xấu đi đáng kể so với những người tiền nhiệm, cùng với vụ nã pháo tại biên giới năm 2010 và chìm tàu Cheonan của Hàn Quốc.
Bên cạnh đó, tập trung quân sự giữa biên giới hai nước cũng gia tăng với mật độ lớn hơn rất nhiều, căng thẳng cao độ sau các xung đột và đụng độ tại đường Ranh giới phía bắc trên biển (NLL) mà Triều Tiên không công nhận.
Chỉ riêng trong năm nay, Bình Nhưỡng tiến hành hai vụ phóng tên lửa tầm xa trên danh nghĩa là đưa vệ tinh quan sát trái đất lên quỹ đạo. Triều Tiên đã 'chốt lịch' phóng tên lửa thứ hai vào khoảng thời gian trùng với thời điểm Hàn Quốc bỏ phiếu bần Tổng thống. Các động thái này của người hàng xóm phương Bắc đang đòi hỏi một chính sách đối ngoại vô cùng tinh tế của ông/bà chủ Nhà Xanh sau ngày 19/12 này, khi mà đường lối cứng rắn của người tiền nhiệm chỉ dẫn đến tình trạng đối đầu kịch tính.
Park Geun Hye thuộc đảng cầm quyền Saenuri cùng đảng với Tổng thống sắp mãn nhiệm Lee Myung-bak. Tuy nhiên, bà Park đã định vị một chiến lược rất rõ ràng và khác biệt với Tổng thống Lee, đặc biệt là trong vấn đề Triều Tiên.
Park Geun Hye nói rằng nếu đắc cử, bà sẽ 'quân bình hóa' quan hệ với Triều Tiên, và sẽ 'sử dụng nhiều kênh đối thoại để xây dựng niềm tin với Bình Nhưỡng, gặp gỡ các lãnh đạo miền bắc nếu đây là việc làm cần thiết để phát triển quan hệ giữa hai miền' trên bán đảo Triều Tiên.
Một mặt, bà Park cảnh cáo Bình Nhưỡng không nên có hành động khiêu khích, nhưng mặt khác, vẫn tạo kênh đối thoại và đề nghị đôi bên cùng 'vượt qua thời đại chia cắt và đối đầu để tiến tới một thời đại mới hòa bình và hài hòa'.
Bà Park cũng hứa hẹn các chương trình trao đổi văn hóa, xã hội và tăng viện trợ nhân đạo cho Triều Tiên. Lập trường này của bà Park cũng được ứng viên Moon chia sẻ. Cả ông Moon và bà Park đều chọn đường lối ôn hòa với Bình Nhưỡng để tranh thủ lá phiếu của các cử tri.
Cả hai ứng viên đều chủ trương 'cứng rắn' trong lập trường về biển đảo với Nhật Bản khi bác bỏ đòi hỏi chủ quyền của Tokyo với quần đảo Dokdo/Takeshima. Hai ứng viên hàng đầu của Hàn Quốc hiện nay vẫn nhất quán trong chính sách liên minh với Mỹ. Tuy nhiên, ông Moon vẫn đặt Triều Tiên lên làm ưu tiên hàng đầu.
- Lê Thu