Tờ Yonhap của Hàn Quốc cho biết cả ba giai đoạn của tên lửa mang vệ tinh Ngân Hà - 3 đã được đặt lên bệ phóng ở khu vực phóng vệ tinh Sohae.
Ảnh chụp từ vệ tinh loại tên lửa Taepodong - 2 của Triều Tiên trong vụ thử tháng 4/2009. Ảnh: NYT |
Thứ Bảy tuần trước, Triều Tiên công bố thông tin sẽ phóng tên lửa đưa vệ tinh quan trắc trái đất lên quỹ đạo trong khoảng thời gian từ ngày 10-22/12.
Hiện nay, Triều Tiên được cho là sẽ lắp đặt thêm các thiết bị phụ trợ, như là camera và rada trước khi tiếp nhiên liệu cho tên lửa.
Đây là lần thứ hai trong năm Triều Tiên tiến hành phóng tên lửa tầm xa đưa vệ tinh lên quỹ đạo. Tuy nhiên, hiện chưa rõ lần này, Triều Tiên sẽ phóng loại tên lửa nào nên rất khó phán đoán về khả năng thành công của vụ phóng.
Hồi tháng Tư vừa qua, Bình Nhưỡng nói rằng họ đã phóng tên lửa Kwangmyongsong-3 (Quang Minh Tinh 3) để đưa vệ tinh Unha-3 (Ngân hà 3) vào quỹ đạo, nhưng đã không thành công.
Quân đội Mỹ lại nói rằng Triều Tiên đã phóng một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) loại Taepodong-2. Về cơ bản thì tên lửa Taepodong-2 có thể mang theo đầu đạn hạt nhân.
Tên lửa Taepodong-2 có chiều dài khoảng 30m, có ba giai đoạn với tầm bắn ước tính khoảng 6000-9000 km. Triều Tiên đã thử nghiệm tên lửa này hai lần, vào tháng 7/2006 và tháng 4/2009, nhưng đều không thành công. Triều Tiên đã thử nghiệm tên lửa Taepodong-1 vào năm 1998.
Tên lửa này được phóng lúc 7:39 sáng ngày 13/4 từ một căn cứ ở Tongchang-ri miền đông bắc của Triều Tiên, và phát nổ trên bầu trời 81 giây sau đó khi đang di chuyển về hướng nam.
Giai đoạn đầu của tên lửa đã tách và rơi xuống biển Hoàng Hải, cách Seoul khoảng 165km. Nhưng giai đoạn hai và ba của tên lửa cũng bị rơi.
Nguyên nhân thất bại được cho là do các giai đoạn của tên lửa đã có trục trặc khi phân tách và phát nổ. Giai đoạn đầu của tên lửa đã rơi như dự tính của Bình Nhưỡng nhưng lại bị phát nổ ở giai đoạn hai. Các nhà khoa học cho rằng việc kiểm soát phân tách các giai đoạn của tên lửa vẫn là một thách thức hóc búa về mặt công nghệ.
Kết quả của vụ phóng tên lửa hồi tháng Tư đã cho thấy một 'bước lùi' của Bình Nhưỡng, khi mà trong các lần thử nghiệm trước, giai đoạn một và giai đoạn hai của tên lửa đã tách thành công.
Trong lần thử nghiệm năm 2006, giai đoạn hai của tên lửa dựa trên tên lửa Nodong của Liên Xô, trong khi năm 2009 và lần gần đây nhất, giai đoạn hai của tên lửa lại bắt chước từ từ loại SSN-6 của Nga còn hiện đại hơn.
Các thử nghiệm thất bại cho thấy Triều Tiên 'vẫn chưa khắc phục được các quá trình công nghiệp như kiểm soát chất lượng, các phân tích tin cậy, tích hợp hệ thống và các công nghệ như kiểm soát đẩy' - Poornima Subramaniam, một nhà phân tích trong tạp chí quốc phòng hàng đầu IHS nói.
Các chuyên gia cho biết: một chương trình tên lửa đạn đạo cần rất nhiều năm thử nghiệm thành công. Trong 14 năm qua, Triều Tiên tiến hành 4 vụ thử tên lửa, và tất cả đều thất bại.
"Vẫn cần vài năm nữa để Triều Tiên có thể có một chương trình tên lửa đạn đạo xuyên lục địa chắc chắn" - Peter Crail, một nhà phân tích của Hiệp hội Điều khiển Vũ khí nói và cho rằng phải ít nhất 2-3 năm nữa Triều Tiên mới có thể đạt được kết quả đó.
- Lê Thu (Tổng hợp)