Nhóm tham gia thử nghiệm này trong vòng một tuần đã cảm thấy đỡ căng thẳng hơn, sẵn sàng trao đổi trực tiếp với bạn bè, gia đình hơn, Viện nghiên cứu Happiness của Đan Mạch cho biết.
Ảnh: EPA |
Các nhà nghiên cứu của Đan Mạch đã chia 1.095 người sử dụng Facebook hàng ngày ra thành hai nhóm. Một nửa vẫn sử dụng trang này như bình thường, nửa còn lại buộc phải từ bỏ.
Kết quả là một tuần sau đó, nhóm chia tay với mạng xã hội cảm thấy giảm hẳn căng thẳng. “Chúng tôi đưa ra rất nhiều dữ liệu thống kê hạnh phúc. Và nhận thấy rằng, một trong số đó chính là khi người ta so sánh bản thân với người khác, thì sự bất mãn gia tăng", Meik Wiking, giám đốc điều hành viện nghiên cứu tại Copenhagen cho biết.
“Facebook là cuộc oanh tạc không ngớt của vô vàn tin tức mới mẻ từ rất cả mọi người. Nhưng rất nhiều trong số chúng ta thường nhìn qua cửa sổ và thấy bầu trời xám xịt, mưa ẩm. Điều này khiến cho thế giới Facebook - nơi tất cả mọi người thể hiện những mặt tốt của mình - dường như bị bóp méo những gì diễn ra trong thực tế. Vì thế, chúng tôi muốn xem những gì xảy ra nếu người sử dụng ngừng dùng trang mạng xã hội".
Người tham dự cuộc khảo sát có độ tuổi từ 16-76 đã được hỏi trước khi tham gia về mức độ hài lòng trong cuộc sống, về đời sống xã hội của họ, cũng như họ có thường xuyên so sánh với người khác, hay làm thế nào để tập trung tốt hơn. Sau đó, nhóm được chia tách, một nửa vẫn dùng Facebook hàng này, nửa còn lại chấp nhận "cai" trong 7 ngày.
Stine Chen, 26 tuổi cho biết, lúc đầu, cô cảm thấy khó khăn. “Facebook là phần lớn cuộc đời tôi kể từ khi còn niên thiếu, và rất nhiều hoạt động diễn ra quanh nó".
Đây cũng là thách thức lớn với Sophie Anne Dornoy, 35 tuổi: “Khi thức dậy, thậm chí trước khi bước xuống giường, tôi dùng điện thoại để vào Facebook kiểm tra những gì đang diễn ra trong đêm, tìm xem có gì thú vị hay quan trọng".
Cô đã xóa ứng dụng này trên điện thoại, và chặn site trên máy tính để giảm bớt sức hút của mạng xã hội. "Ít ngày sau, tôi thấy rằng, danh sách những việc phải làm đã được hoàn tất một cách nhanh chóng hơn bình thường vì tôi đã dùng thời gian của mình hiệu quả hơn", cô cho biết. “Tôi cũng cảm thấy bình tĩnh, thư giãn hơn khi không phải lúc nào cũng đối mặt với Facebook".
Một tuần sau, so sánh hai nhóm nói trên, nhóm "cai nghiện" đã có chỉ số hài lòng với cuộc sống cao hơn, tập trung tốt hơn, bớt cảm giác cô độc, căng thẳng và hòa đồng hơn.
“Các bạn trong phòng và tôi buộc phải trò chuyện với nhau, thay vì chỉ lướt Facebook”, Chen cho biết. Còn Dornoy thấy rằng, cô đã có các cuộc trò chuyện qua điện thoại dài hơn bình thường và tiếp xúc nhiều hơn với gia đình, bạn bè. “Tôi cảm thấy thú vị khi hiểu rằng, thế giới không kết thúc nếu không có Facebook, và rằng mọi người vẫn có thể tiếp xúc với bạn nếu họ muốn".
Bước tiếp theo với các nhà nghiên cứu là đánh giá hiệu quả và những gì xảy ra nếu người tình nguyện tham gia khảo sát chấp nhận cai Facebook trong thời gian dài hơn. “Có lẽ là một năm", Wiking nói. "Nhưng chúng tôi cần biết rõ có bao nhiêu người tình nguyện làm vậy".
Thái An (Theo Guardian)