- 70% bà mẹ cho con dùng kháng sinh chưa đúng. Có những bệnh lý dùng kháng sinh chẳng giúp mau khỏi mà còn làm tình trạng nặng thêm.
70% bà mẹ nhận thức sai về kháng sinh
Bác sĩ Bạch Văn Cam, cố vấn chuyên môn Bệnh viện Nhi Đồng 1, thầy thuốc nhân dân, Chủ tịch Hội hồi sức chống độc TP.HCM cảnh báo về tình trạng lạm dụng kháng sinh khi điều trị cho trẻ.
Bác sĩ Bạch Văn Cam cảnh báo một số bệnh ở trẻ dùng kháng sinh không giúp mau khỏi mà còn làm nặng thêm. Ảnh: Thanh Huyền. |
Bác sĩ Cam nhấn mạnh: “Với một số bệnh lý sử dụng kháng sinh chẳng những vô tác dụng mà còn làm bệnh nặng thêm. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết điều này, dẫn tới tình trạng 70 % bà mẹ đang cho con dùng kháng sinh không đúng”.
Trước tiên phải kể đến là bệnh lý viêm hô hấp trên. Khi bị viêm hô hấp trên, trẻ sẽ có các biểu hiện như: Sốt, ho, chảy nước mũi.
Hầu hết nguyên nhân gây viêm hô hấp trên ở trẻ do siêu vi (không phải do vi trùng). Nhiều nghiên cứu đã chứng minh, kháng sinh không có tác dụng với siêu vi, vì thế việc uống kháng sinh trong những trường hợp này chẳng hề giúp trẻ mau khỏi bệnh hay giảm thiểu nguy cơ bội nhiễm, nhiễm trùng.
Ngược lại, dùng kháng sinh khi bị viêm hô hấp do siêu vi còn làm cho bệnh của trẻ thêm nặng. Kháng sinh sẽ tiêu diệt hết những vi khuẩn có lợi trong đường ruột, khiến bé bị tiêu chảy, gia tăng nguy cơ nhiễm trùng.
Một bệnh lý thứ 2 hay gặp ở trẻ không cần thiết uống kháng sinh đó là tiêu chảy kèm sốt.
“Cha mẹ cứ nghĩ con sốt là do nhiễm trùng nên tấp kháng sinh. Điều này rất sai lầm!”, bác sĩ Cam nói.
Đa phần nguyên nhân gây tiêu chảy ở trẻ dưới 2 tuổi do siêu vi (Rota virus). Như đã nói ở trên, kháng sinh không có tác dụng với siêu vi nên khi uống không hiệu quả chữa bệnh mà làm trẻ bị tiêu chảy nhiều hơn vì diệt luôn cả vi khuẩn có lợi trong hệ tiêu hóa.
Phân biệt bệnh do siêu vi và vi trùng
Từ đó, đặt ra vấn đề, làm cách nào để phụ huynh nhận biết con mình bị viêm hô hấp, tiêu chảy do siêu vi hay vi trùng?
70% bà mẹ chưa nhận thức đúng về kháng sinh khi chữa bệnh cho trẻ. Ảnh: Thanh Huyền. |
Bác sĩ Cam hướng dẫn, nếu thấy trẻ sốt, ho, sổ mũi nhẹ nhưng vẫn ăn, chơi thì khi đi khám bác sĩ sẽ cho điều trị ở nhà bằng cách lau mát, uống thuốc hạ sốt, thuốc ho từ thảo dược hoặc thuốc kháng dị ứng, hỗ trợ rửa mũi bằng nước muối sinh lý. Nghĩa là tập trung chữa triệu chứng. Thông thường nguyên nhân gây bệnh do siêu vi, trẻ sẽ khỏi sau 5 – 7 ngày.
Phụ huynh cần theo dõi, thấy trẻ sốt cao, sốt lâu ngày, lừ đừ, nổi ban, không ăn uống thì nên đưa ngay tới cơ sở y tế để khám. Bởi lúc này có thể trẻ đã bị nhiễm trùng.
Đối với bệnh tiêu chảy của trẻ, nguyên nhân do siêu vi sẽ được điều trị theo phác đồ khác, không cần kháng sinh. Chỉ dùng kháng sinh khi trẻ tiêu chảy kèm theo đàm máu (dấu hiệu của bệnh lỵ trực tràng).
Ở những nước phát triển, các phòng khám gia đình được trang bị dụng cụ test nhanh, xác định nguyên nhân gây bệnh do siêu vi hay vi trùng chỉ mất từ 1 – 2 phút. Sau khi có kết quả, bác sĩ mới đưa ra hướng điều trị và cho toa phù hợp.
Còn Việt Nam, chưa ứng dụng được test nhanh như vậy nhưng có thể làm xét nghiệm công thức máu xem có tình trạng nhiễm trùng ở bệnh nhân không, từ đó bác sĩ sẽ loại trừ, quyết định nên hay không cho kháng sinh vào toa thuốc.
Dùng kháng sinh bừa bãi mang lại nhiều hệ lụy. Chưa bàn tới hiệu quả chữa bệnh, nhưng nguy cơ lờn thuốc, bị tác dụng phụ của thuốc (tiêu chảy, dị ứng, sốc phản vệ) là nguy hiểm vô cùng.
Thanh Huyền
Cướp nhầm của người quen, trả lại…vẫn bị bắt
Bức xúc nhân viên vừa thu viện phí vừa xem phim
Quý ông ăn rau này, khỏi cần mua Viagra