- Nhiều chị em cắn răng “chơi” hẳn dầu ô liu để nấu, nướng, chiên xào. Ai ngờ, dù bỏ ra số tiền gấp chục lần bình thường nhưng đổi lại lợi đâu chẳng thấy mà còn nguy hiểm cho sức khoẻ.

Quan niệm sử dụng dầu ăn sai lệch

Dầu ăn đắt tiền mà dùng không đúng cách, đúng lúc vừa phung phí mà còn nguy hiểm cho sức khoẻ nhưng chưa hẳn ai cũng biết điều này.

Cơn sốt dầu ô liu, dầu cá hồi đang dấy lên rầm rộ. Các gia đình khá giả, có điều kiện rủ nhau đi mua, thậm chí đặt hẳn hàng xách tay về dùng cho gia đình.

Vợ chồng chị Nguyễn Thu Hà, ngụ tại quận 7, TP.HCM là một trong những tín đồ của dầu ăn sang chảnh như thế.

{keywords}
Hướng dẫn chế biến đồ ăn đúng cách tại Khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Nhi Đồng 1. Ảnh: Thanh Huyền.

Chị Hà chia sẻ: “Dù dầu ô liu khá mắc nhưng gia đình mình vẫn cố đặt nguyên cả thùng về dùng. Mỗi chai chưa tới 100 ml đã có giá cả trăm ngàn, nhiều mẹ chỉ dám bỏ vào cháo cho con ăn bồi bổ. Nhà mình có hai vợ chồng và một đứa con, thiết nghĩ không chỉ trẻ con mà người lớn cũng cần bảo vệ sức khoẻ. Vì thế tất cả từ chiên xào, nấu nướng đều sử dụng dầu ô liu hết. Tốn kém nhưng yên tâm”.

Không chỉ gia đình chị Hà, cơn sốt dầu cá hồi còn tràn cả vào nhà anh Minh - chị Thuý ngụ tại quận 2. Gia đình anh Minh có rất nhiều người thân sinh sống ở nước ngoài, hai vợ chồng lại làm chủ một doanh nghiệp lớn, vì lý do sức khoẻ mà bỏ ra vài triệu mỗi tháng xách hẳn dầu ăn từ Mỹ về thì có sá gì.

“Dầu cá hồi là dầu omega 3, công dụng của nó tốt, bổ ra sao cả thế giới đều biết rồi. Nhà chẳng tới mức khó khăn, ăn vào miệng phải lựa đồ tốt chứ, tiết kiệm tới lúc bệnh tật ra lại ôm hận”, anh Minh chia sẻ.

Anh Minh kể thêm, bà xã mình thường xuyên ướp tí dầu cá hồi vào thịt trước khi đem chế biến, chiên, nướng. Dầu giúp miếng thịt mềm, thơm hơn hẳn. Xào, chiên cứ lấy dầu đó mà dùng, chai dầu đậu nành ở siêu thị bán có 45 ngàn đồng, bì kịp thế nào được.

Dùng sai cách, dầu ăn thành chất độc

Trước kiến thức sử dụng dầu ăn sai lệch của người dân, Ths - bs Hoàng Thị Tín, Trưởng Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã có những cảnh báo và lời khuyên hữu ích.

Dầu ăn được chia ra làm 3 loại: Omega 3 (dầu cá), Omega 6 (dầu thực vật như đậu nành) và Omega 9 (dầu ô liu).

Các loại dầu này, độ bền với nhiệt độ khác nhau, vì thế cách chế biến, sử dụng cũng cần khác nhau.

Đối với chiên, xào, nướng mọi người nên sử dụng dầu đậu nành vì loại dầu trên có sức bền ở nhiệt độ cao tốt hơn các loại khác.

Dầu cá, dầu mè, dầu ô liu có sức bền với nhiệt độ kém nên khi đồ ăn sôi, chín, tắt bếp mới nêm vào, chế biến ở nhiệt độ cao sẽ chuyển biến thành chất độc, gây hại cho cơ thể.

Hiện nay, dầu gấc cũng được khuyến cáo rất tốt cho trẻ nhỏ vì chứa vitamin A. Tuy nhiên, bác sĩ Tín giải thích, thành phần dầu gấc bổ sung trong thức ăn dặm của trẻ gồm 60% dầu thực chất (dầu đậu nành) và 40% tinh chất gấc (giàu vitamin A và vitamin E, nếu dùng quá nhiều sẽ dẫn tới tình trạng trẻ bị dư vitamin A).

“Dư vitamin A ở trẻ nhỏ làm trẻ biếng ăn, ngộ độc, nôn ói, đau bụng, tiêu chảy, xuất huyết…”, bác sĩ Tín nói.

Dù thế, đối với trẻ em, dầu ăn đóng vai trò rất quan trọng. Vì chất béo là nguồn cung cấp năng lượng cho sự tăng trưởng và hoạt động của trẻ. Do đó, trẻ cần được bổ sung từ 2 – 4 muỗng canh dầu ăn/ngày.

Bên cạnh việc cần sử dụng dầu ăn đúng cách, bác sĩ Tín còn chỉ dẫn về tỷ lệ sử dụng các nhóm dầu sao cho hài hoà, phù hợp: “Chúng ta chia ra làm 4 phần dầu ăn/ngày. Trong 4 phần đó, 1 phần là dầu Omega 3 (dầu cá), 1 phần là dầu Omega 6 (dầu đậu nành, dầu mè..) và 2 phần là dầu Omega 9 (dầu oliu). Mỗi loại dầu ăn đều có các lợi thế và hạn chế khác nhau, bởi vậy mọi người nên dùng đa dạng”.

Thanh Huyền