- Nhiều người cho rằng lợn sạch tự nuôi nên ăn tiết canh, nem chạo thoải mái, tuy nhiên ít ai biết lợn khỏe mạnh vẫn có thể nhiễm liên cầu lợn rất nguy hiểm.

Tại buổi cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh mùa đông hôm nay, TS Trương Đình Bắc, Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận 82 ca mắc liên cầu khuẩn lợn, trong đó 10 ca tử vong. Riêng Hà Nội, trong 11 tháng có 17 ca mắc với 2 ca tử vong.

Dự báo trong những tháng tới, số ca mắc liên cầu khuẩn lợn sẽ gia tăng nhanh chóng do tập quán mổ lợn để ăn Tết, lễ hội.

{keywords}
Một bệnh nhân hoại tử toàn thân do ăn tiết canh nhiễm liên cầu khuẩn lợn. Ảnh: Bác sĩ cung cấp

Mới đây nhất, giữa tháng 11, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TƯ tiếp nhận 2 ca quê ở Ba Vì, Hà Nội mắc liên cầu khuẩn lợn nhập viện trong tình trạng rất nguy kịch, toàn thân nổi ban hoại tử. Bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm trùng huyết có sốc nhiễm trùng nặng, suy gan, suy thận và chảy máu dạ dày, phải đặt máy thở, dùng thuốc vận mạch, trợ tim và lọc máu. Theo lời kể của gia đình, trước đó, gia đình có mổ lợn sữa chết để ăn thịt.

"Tâm lý người dân cho rằng lợn sạch sẽ, lợn nhà nuôi nên không sợ bệnh là hoàn toàn sai lầm. Rất nhiều bệnh nhân ăn thịt lợn, tiết canh do lợn nhà nuôi nhưng vẫn bị bệnh", TS Bắc nhấn mạnh.

Theo TS Bắc, trong một đàn lợn khỏe mạnh, luôn có một tỉ lệ nhất định cá thể mang vi khuẩn liên cầu. Khi lợn bị suy giảm sức đề kháng, liên cầu khuẩn sẽ gây viêm phổi hoặc nhiễm trùng huyết ở lợn. Đó là lý do tại sao có những gia đình tự nuôi lợn, thấy lợn rất khỏe mạnh nhưng khi ăn tiết canh vẫn mắc liên cầu khuẩn và tử vong.

Ông Bắc cung cấp thêm, trên 70% bệnh nhân mắc liên cầu khuẩn lợn là do ăn tiết canh, ngoài ra do ăn nem chạo sống và số ít người nhiễm từ việc chăn nuôi lợn bệnh. Liên cầu lợn có tỷ lệ tử vong khoảng 7%, nếu được cứu sống, 40% vẫn để lại di chứng.

Do đó ông Bắc khuyến cáo, người dân tuyệt đối không ăn tiết canh, nội tạng lợn và các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín (lòng, tim, gan, thận chần tái, thịt tái, nem chua, nem chạo…). Không sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề.

Minh Anh