- Chỉ 5-10 phút chậm trễ trong công tác cấp cứu cũng có thể thay đổi sinh mệnh của một con người...

Hà Nội vào giờ cao điểm, phải nhích dần từng mét trên đường là điều gây bức bối với bất kỳ người dân nào. Nhưng trong công tác cấp cứu và vận chuyển người bệnh thì tắc đường còn là ác mộng của bệnh nhân đang trong cơn nguy kịch và người thân của họ. Nó đẩy con người tiến gần hơn bao giờ hết tới ranh giới giữa sự sống và cái chết.

Phóng viên VietNamNet đã sống cùng những thời khắc sinh tử của bệnh nhân khi xe cấp cứu đang “chết đứng” giữa biển người vào giờ cao điểm.

Bệnh nhi Đỗ Ngọc Mai chưa đầy 2 tuổi được xe cấp cứu của Bệnh viện Nhi, Hải Phòng chuyển lên Viện Bỏng quốc gia trong tình trạng bỏng nước sôi diện rộng nửa thân trên, tiên lượng xấu.

Xe cấp cứu di chuyển đến đầu đường Trần Duy Hưng (quận Cầu Giấy) lúc 5 giờ chiều, 2 tiếng sau, xe mới có mặt tại Khoa cấp cứu của Viện Bỏng nằm trên đường Phùng Hưng (quận Hà Đông, Hà Nội).

Trên xe, chúng tôi phải chứng kiến sự đau đớn của bệnh nhi và sự căng thẳng tột cùng của gia đình. Mỗi phút giây trôi qua là mỗi vết kim chích vào da thịt đứa bé nhưng xe cấp cứu dường như bất lực giữa dòng xe cộ đông đúc. Những tiếng còi dành cho xe ưu tiên giờ không còn giá trị gì nữa.

Theo số liệu từ Trung tâm Cấp cứu 115 - Hà Nội, năm 2014, tỉ lệ cấp cứu trước viện là khoảng 30.000 ca/năm, chưa kể các trường hợp cấp cứu chuyển tuyến tại các bệnh viện. Việc ách tắc giao thông đã gây ra không ít khó khăn cho xe cấp cứu trong di chuyển, phục vụ cứu chữa người bệnh.

Nhóm PV VietNamNet