Trong khi các nước phát triển đang còn sử dụng kháng sinh thế hệ 1 thì Việt Nam đã sử dụng tới kháng sinh thế hệ 3, 4. Khi việc phát triển kháng sinh mới đang chững lại thì nguy cơ mắc bệnh mà hết thuốc chữa đang hiện hữu.

‘Vũng trũng’ của tình trạng kháng thuốc

Tại Việt Nam, nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy, trong số 10 loại thuốc được dùng phổ biến nhất thì tỷ lệ dùng kháng sinh là cao nhất.

Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát của ngành y tế trên 3.000 hiệu thuốc vùng nông thôn và thành thị các tỉnh phía Bắc cho thấy, nhận thức về kháng kháng sinh của người bán thuốc và người dân còn thấp. Kháng sinh đóng góp 13,4% (ở thành thị) và 18,7% (ở nông thôn) trong tổng doanh thu của hiệu thuốc. Phần lớn kháng sinh được bán mà không có đơn (88% thành thị và 91% nông thôn). Người dân mua kháng sinh tại các nhà thuốc dễ như mua rau ngoài chợ.

{keywords}
Ảnh minh họa

Một thống kê khác của Bộ Y tế cũng chỉ ra, có tới 76% bác sĩ kê toa kháng sinh không phù hợp. Đây là nguyên nhân khiến 33% người bệnh bị kháng thuốc. Tổ chức Y tế thế giới đã liệt Việt Nam vào danh sách nước có tỷ lệ kháng kháng sinh cao nhất trên toàn cầu.

Đại diện Bộ Y tế thừa nhận, mặc dù Việt Nam đã có quy định bắt buộc các nhà thuốc chỉ được bán kháng sinh theo toa, bác sĩ chỉ kê toa kháng sinh trong những trường hợp cần thiết, nhưng kháng sinh vẫn được bán một cách bừa bãi.

Những nguyên nhân trên đã đẩy Việt Nam rơi vào “vùng trũng” của tình trạng kháng thuốc.

Nguy cơ không còn kháng sinh để điều trị

Trong khi các quốc gia phát triển đang còn sử dụng kháng sinh thế hệ 1 thì Việt Nam đã sử dụng tới kháng sinh thế hệ 3 và 4.

Trong bối cảnh việc phát triển kháng sinh mới đã chững lại từ hơn 30 năm nay, thì việc lạm dụng kháng sinh khiến người bệnh phải đối mặt với tình trạng khan hiếm, thiếu hụt các thuốc kháng khuẩn mới, thời gian điều trị kéo dài, nguy cơ tử vong cao và chi phí điều trị ngày càng cao.

Trong một lần chia sẻ với báo giới, ông Jeffery Kobza, quyền Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam bày tỏ sự lo lắng: "Cuộc khủng hoảng kháng thuốc mở rộng nhiều năm nay. Nhiều bệnh nhiễm trùng phổ biến trước có thể điều trị dễ dàng bằng kháng sinh thì giờ đây lại đe dọa tính mạng. Sự phát triển của kháng thuốc nhanh hơn sự phát triển của thuốc mới. Chúng ta có thể quay trở lại kỷ nguyên trước khi có kháng sinh".

Kế hoạch hành động QG phòng chống kháng thuốc

Trước thực trạng trên, Bộ Y tế đã xây Kế hoạch hành động quốc gia về chống kháng thuốc giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2020, đồng thời ký kết với Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Tài Nguyên và Môi trường trong phòng chống kháng thuốc.

Bộ Y tế cũng đã thành lập đơn vị giám sát phòng chống kháng thuốc; phát động Tuần lễ truyền thông phòng chống kháng thuốc trên khắp cả nước để thay đổi nhận thức của cán bộ y tế, người dân và người bán thuốc trong việc chỉ định, sử dụng và kinh doanh thuốc….

Tuần lễ phòng chống kháng thuốc với khẩu hiệu “không hành động hôm nay, ngày mai không còn thuốc chữa”, hướng tới kêu gọi sự chung tay của toàn xã hội đối với việc phòng chống kháng thuốc; nâng cao nhận thức của người dân và cán bộ y tế thực hiện các biện pháp phòng chống kháng thuốc trong cộng đồng.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng ký kết thỏa thuận về phòng chống kháng thuốc với nhiều cơ quan bộ ngành và các tổ chức quốc tế. Việt Nam là một trong những nước đầu tiên ở khu vực Châu Á- Thái Bình Dương ký cam kết này.

D.Minh (tổng hợp)