Thời tiết mùa đông làm cho con người dễ mắc các bệnh truyền nhiễm như ho, cảm lạnh, cảm cúm.... Để bảo vệ sức khỏe trong mùa đông cần thực hiện những biện pháp dưới đây.
Cả thế giới đang trải qua những ngày thời tiết khắc nghiệt nhất trong mùa đông, từ Tây sang Đông chìm trong mưa tuyết hoặc rét buốt. Thời tiết mùa đông làm cho con người dễ mắc các bệnh truyền nhiễm như ho, cảm lạnh, cảm cúm.... Để bảo vệ sức khỏe trong mùa đông bác sĩ Fionnuala McKinney, phụ trách sức khỏe cộng đồng Bắc Ireland cho biết: "Phòng bệnh luôn tốt hơn chữa bệnh, có những điều rất đơn giản mà tất cả mọi người đều có thể làm để đảm bảo sức khỏe trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt của mùa đông”.
Dưới đây là 10 lời khuyên của các chuyên gia y tế không chỉ với những người đang mắc bệnh mà cả những người có sức khỏe bình thường để vượt qua mùa đông lạnh giá.
Giữ ấm nhà của bạn: Kéo rèm cửa lúc hoàng hôn và đóng kín cửa của cửa để ngăn chặn gió lạnh từ ngoài vào. Sử dụng một chai nước nóng hoặc chăn điện trên giường (nhưng không phải cả hai cùng một lúc).
Mặc quần áo ấm: Đây là biện pháp đơn giản và hữu hiệu nhất để giữ ấm cơ thể. Tuy nhiên không nên mặc quần áo dày, mà nên mặc quần áo mỏng, mặc thành nhiều lớp, để gió lạnh không thể luồn vào cơ thể. Đối với trẻ em mặc quần áo nhiều lớp còn có tác dụng để có thể cởi cho trẻ khi toát mồ hôi do chơi đùa, hoặc nằm ngủ. Mồ hôi của trẻ nếu không kịp lau có thể thấm ngược trở lại cơ thể gây các bệnh đường hô hấp.
Ăn đủ chất và lượng: Thực phẩm là nguồn cung cấp năng lượng quan trọng nhất của cơ thể, nó giúp giữ ấm cơ thể. Mùa đông để giữ cơ thể ấm, có thể dùng các món ăn từ các loại cây gia vị như gừng, tỏi....
Nhận biết dấu hiệu hạ thân nhiệt: Thân nhiệt của người bình thường từ 36,5 độ, từ 35 độ trở xuống là bị hạ thân nhiệt. Hạ thân nhiệt thường xuất hiện khi con người đang ở trong một môi trường lạnh. Những người có nguy cơ hạ thân nhiệt là những người già, ốm hoặc trẻ sơ sinh. Nếu một người nào đó vừa trở về từ một nơi lạnh và có những biểu hiện như run rẩy, mệt mỏi, lờ đờ, chậm chạm, thở nông, mạch yếu, không có sự phối hợp vận động hoặc trở nên vô thức, họ có thể đang bị hạ thân nhiệt nghiêm trọng. Trong trường hợp này, ngay lập tức phải giữ ấm cho họ và đưa bệnh nhân tới cơ sở y tế gần nhất.
Hạn chế uống rượu: Nhiều người cho rằng thời tiết lạnh, uống rượu sẽ làm ấm người. Tuy nhiên uống quá nhiều rượu lại gây ra những tác hại khôn lường với sức khỏe. Uống rượu, nhất là uống say trong thời tiết lạnh rất nguy hiểm dễ bị đột quỵ. Nhiều trường hợp đã tử vong do uống rượu. Khi uống rượu, các mạch máu giãn ra, khi gặp trời lạnh, mạch đột ngột co lại, huyết áp dễ tăng lên gây tai biến và dẫn đến tử vong. Cách tốt nhất là không uống rượu, nếu phải uống và uống quá say không nên ra ngoài trời lạnh ngay.
Luôn hoạt động: Nếu thời tiết quá lạnh, nên hạn chế đi ra ngoài đường, nhất là trẻ nhỏ. Cần cho trẻ nghỉ học. Đối với người lớn, nhất là người lớn tuổi, cần vận động nhẹ nhàng trong nhà, không nên ngồi một chỗ. Nên di chuyển quanh nhà ít nhất 1 lần mỗi giờ.
Giúp đỡ người khác: Tích trữ thực phẩm, thuốc men, nước uống. Chú ý tới những thành viên trong gia đình, nhất là người già và trẻ em xem họ có cần giúp đỡ gì không. Đây là những đối tượng dễ bị ảnh hưởng sức khỏe nhất trong thời tiết khắc nghiệt.
Cẩn thận khi di chuyển: Đi đường vào mùa đông rất nguy hiểm. Trong những ngày thời tiết có sương mù, mưa rét, đường dễ bị trơn trượt, dễ gặp tai nạn không mong muốn nếu di chuyển ở những địa hình phức tạp như đường đèo núi....
Theo dõi dự báo thời tiết: Nếu có ý định đi du lịch hoặc đi chơi trong thời tiết mưa rét, cần theo dõi chặt dự báo thời tiết trước khi ra khỏi nhà. Ngoài ra cần dự trù những phương án bất trắc có thể xảy ra trên quãng đường đi của bạn.
Chú ý cháy nổ: Thời tiết quá lạnh, nhiều nhà thường sử dụng máy sưởi, chăn điện, lò sưởi các loại. Tuyệt đối tuân thủ các quy định an toàn khi sử dụng các thiết bị điện, cần tắt nguồn khi không sử dụng hoặc không có người ở nhà. Không sử dụng máy sưởi di động để làm khô quần áo. Cần lắp một thiết bị báo động cháy để cảnh báo khi xuất hiện khói hay khí carbon monoxide.
(Theo Derryjournal/SK&ĐS)