- Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cảnh báo, số ca mắc liên cầu lợn dịp Tết tăng đột biến do người dân có thói quen đụng lợn ăn tiết canh.
Chiều 2/2, PGS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết, từ Tết dương lịch đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận liên tiếp 4 trường hợp mắc liên cầu lợn trong tình trạng sốc nhiễm khuẩn hết sức nguy kịch. Cả 4 bệnh nhân đều có tiền sử ăn tiết canh lợn.
"Trong tháng 2, số ca mắc liên cầu lợn sẽ tăng nhanh hơn nữa do người dân có thói quen đụng lợn, ăn tiết canh, thịt sống vào dịp Tết, trong khi những con lợn mang vi cầu khuẩn liên cầu đều không có biểu hiện bệnh", PGS Kính cảnh báo.
Bệnh nhân hoại tử vì nhiễm liên khuẩn lợn |
Theo PGS Kính, so với miền Nam, bệnh nhân mắc liên cầu lợn tại miền Bắc cao gấp nhiều lần do người dân có thói quen ăn tiết canh. Tính riêng tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, trung bình mỗi tháng điều trị cho 1-2 ca nhiễm liên cầu.
"Căn bệnh này để lại hậu quả rất nặng nề, đặc biệt các di chứng thần kinh, nguy cơ tử vong cao, thời gian điều trị 3-4 tuần, thậm chí kéo dài 2 tháng với chi phí điều trị lên tới trên 200 triệu đồng", PGS Kính thông tin.
Ngoài ra, bệnh nhân mắc liên cầu lợn có diễn biến bệnh cực kỳ nhanh gây suy đa phủ tạng, viêm màng não mủ, giảm thính lực (chiếm 40%), 20% bị điếc vĩnh viễn.
Đáng lưu ý, liên cầu lợn không tạo ra miễn dịch vĩnh viễn, những trường hợp mắc rồi vẫn có thể mắc lại. Do đó, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện ăn chín, uống sôi, không ăn tiết canh để phòng liên cầu lợn và các bệnh giun, sán khác.
Theo thống kê, trong năm 2015, cả nước ghi nhận 96 ca mắc liên cầu khuẩn, 13 ca tử vong. Trong đó số mắc tăng 51 ca, tử vong tăng 5 trường hợp so với năm 2014. |
T.Hạnh