Sau 10 tiếng phẫu thuật, Nguyễn Thị Nhung đã được trở lại đúng giới tính của mình sau 22 năm xấu hổ, mặc cảm vì phải “đái ngồi”. Hiện sau 5 ngày sau phẫu thuật, Nguyễn Thị Nhung đã tỉnh táo, sức khoẻ tiến triển tốt.

Khoa Phẫu thuật tạo hình, BVĐK Xanh Pôn (Hà Nội) vừa tiến hành tạo hình dương vật giúp “cô gái” Nguyễn Thị Nhung, 22 tuổi, người dân tộc Thái ở Lào Cai trở thành chàng trai đúng nghĩa.

Sau 10 tiếng phẫu thuật, Nguyễn Thị Nhung đã được trở lại đúng giới tính của mình sau 22 năm xấu hổ, mặc cảm vì phải “đái ngồi”. Hiện sau 5 ngày sau phẫu thuật, Nguyễn Thị Nhung đã tỉnh táo, sức khoẻ tiến triển tốt.

“Ngay khi mới sinh, cả nhà đã phát hiện những dấu hiệu bất thường ở bộ phận sinh dục của Nhung khi phía ngoài như con gái nhưng lại có tinh hoàn 2 bên. Khi đi khám, bác sĩ nói để lớn lên rồi phẫu thuật. Mặc cảm với khiếm khuyết của bản thân, Nhung luôn khao khát được phẫu thuật trở thành con trai. Tuy nhiên năm 17 tuổi, khi gia đình đưa Nhung xuống một bệnh viện tại Hà Nội để khám lại. Tại đây bác sĩ chỉ định cắt 2 tinh hoàn để Nhung thành con gái. Sau ca phẫu thuật, Nhung trở về quê miệt mài học tập, thi đỗ cao đẳng y nhưng mỗi khi nghĩ về khao khát của mình, Nhung lại bật khóc. Mới đây, theo giới thiệu của người quen, gia đình đưa Nhung xuống Bệnh viện Xanh Pôn để kiểm tra lại”- mẹ bệnh nhân cho hay.

BS Phạm Thị Việt Dung, khoa Phẫu thuật tạo hình của bệnh viện cho biết, kết quả xét nghiệm cho thấy Nhung là nam giới với nhiễm sắc thể XY. Bệnh nhân có bộ phận sinh dục bên ngoài như con gái, có tinh hoàn 2 bên môi lớn (đã cắt bỏ), không có tử cung, tuổi dậy thì không có kinh nguyệt, âm vật phì đại, ngực không phát triển. Do đó các bác sĩ quyết định phẫu thuật giúp Nhung tìm lại giới tính thật của mình.

Ca phẫu thuật kéo dài 10 tiếng ngày 9/3, do GS.TS Trần Thiết Sơn, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Xanh Pôn thực hiện. Theo đó, bác sĩ lấy vạt da đùi trước ngoài bên trái cuộn lại thành dương vật. Dùng niêm mạc miệng tạo niệu đạo. Do vạt da này có cuống động mạch và nhiều dây thần kinh nên bệnh nhân vẫn sẽ có cảm giác khi quan hệ tình dục. Dự kiến khoảng 2 tuần nữa, bệnh nhân sẽ được xuất viện, 3 tháng sau tiếp tục thực hiện tạo bìu. 2 tháng kế tiếp sau đó, bệnh nhân có thể trở lại cuộc sống của một người đàn ông bình thường, chức năng dương vật hoạt động tốt.

Theo các bác sĩ chuyên khoa nam học, hiện tại có 4 bệnh nam khoa mà nam giới hay mắc gồm: Rối loạn tình dục như xuất tinh sớm, xuất tinh chậm và muộn, xuất tinh ngược dòng…); Vô sinh; Viêm nhiễm đường tiết niệu sinh dục; Dị tật bẩm sinh ở cơ quan sinh dục (tinh hoàn ẩn, dương vật cong, niệu đạo đóng thấp…). Trường hợp của Nguyễn Thị Nhung là một trong những bệnh nam khoa trong số các bệnh trên.

Theo TS. BS Nguyễn Quang, Quyền Giám đốc Trung tâm Nam học, Bệnh viện Việt Đức, tỷ lệ nam giới mắc các bệnh “khó nói” ngày càng gia tăng, nếu như 10 năm trước, mỗi ngày Trung tâm chỉ có vài người đến khám thì nay đã lên tới khoảng 50 người/ngày. Trung bình một năm, Trung tâm Nam học tiếp nhận khoảng 17.000 lượt nam giới đến khám.

Từ thực tiễn gắn bó với chuyên môn nam học trong nhiều năm qua, BS Quang cho hay, hầu hết nam giới mắc bệnh đều rất e ngại, ngại đi khám, ngại chia sẻ; đến khi không cố được nữa thì mới đi khám. Cũng vì thế đa phần nam giới đến khám thường có quá trình ủ bệnh lâu, khám chữa muộn và bệnh đã ở giai đoạn khó chữa “Việc bệnh nhân mang bệnh suốt một quá trình dài như vậy đã không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý, sinh lý mà còn ảnh hưởng đến việc sinh con khi lập gia đình. Do đó, những người bệnh không may mắc các trục trặc về nam học cần được thăm khám và phát hiện bệnh càng sớm càng tốt, như thế việc chữa trị sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn”- TS Quang khuyến cáo.

(Theo Sức khỏe đời sống)