Chỉ vì sự tắc trách, thiếu chuyên môn mà các bác sĩ đã để lại hậu quả hết sức đau lòng với bệnh nhân của mình.

Mới đây, một nữ sinh ở Đăk Lăk đã bị cưa chân vì sự tắc trách, thiếu kinh nghiệm của các bác sĩ đã dấy lên sự bất bình, phẫn nộ của mọi người.

{keywords}

Điều đáng nói, hậu quả đáng tiếc này không phải trường hợp đầu tiên. Trước đó, có khá nhiều trường hợp bác sĩ phẫu thuật... nhầm khiến bệnh nhân nhẹ thì phải phẫu thuật lại, nặng thì phải cưa chân, thay bàng quang thậm chí là tử vong.

Mổ nhầm bên phổi do... coi phim sai

Anh Lê Văn Giang (29 tuổi) bị tràn khí màng phổi trái nhưng bác sĩ bệnh viện Lao và bệnh phổi TP. Cần Thơ lại mổ bên phổi phải do... bác sĩ coi phim sai.

Chiều ngày 28/8/2013, anh Lê Văn Giang nhập viện do tràn khí màng phổi tái phát bên phổi trái. Trước đó hơn 10 ngày nó cũng bị tràn khí màng phổi trái và được bác sĩ tại đây mổ đặt ống rồi cho xuất viện. Trong lần tái phát thứ hai này, kết quả chụp phim ở bệnh viện 121 (quân khu 9) bác sĩ cũng nói bị tràn khí màng phổi bên trái và chỉ định anh Giang lên nhập viện tại bệnh viện này để đặt ống lại.

Các bác sĩ bệnh viện lao cho chụp phim lại rồi đưa Giang vào mổ. Trong lúc mổ mẹ anh Giang đứng ngoài thấy con co giật, người tái xanh,sau đó thấy y tá, bác sĩ chạy đi lấy bình ô xy rồi cấp cứu dữ lắm rồi tiếp tục mổ lại và đẩy ra phòng hồi sức nằm.

Đến ngày 30/8, bác sĩ giám đốc bệnh viện có giải thích với người nhà anh Giang là do bác sĩ coi phim sai nên mổ bên phải, sau đó đã làm lại rồi. Cái này do sai sót của bác sĩ nên bệnh viện sẽ miễn toàn bộ viện phí cho anh Giang trong lúc nằm bệnh viện.

Bác sĩ Hứa Trung Tiếp, phó giám đốc bệnh viện Lao và bệnh phổi Cần Thơ thừa nhận đây là một sai sót về chuyên môn do bác sĩ Võ Tiến Cường đọc phim X-quang không chính xác nên đã đặt nhầm ống sang phía phổi bên phải của bệnh nhân. Hiện bác sĩ Võ Tiến Cường đã bị đình chỉ về công tác chuyên môn, chờ họp Hội đồng kỷ luật của bệnh viện để xem xét mức kỷ luật.

Về sức khỏe bệnh nhân sau khi xuất viện, bác sĩ Tiếp cho biết bệnh nhân bị tràn khí màng phổi một bên dù không bị mổ nhầm thì sức khỏe vẫn bị ảnh hưởng, khả năng lao động bị hạn chế và có thể tái phát nhiều lần.

Bác sĩ cắt nhầm bàng quang thay vì mổ thoát vị bẹn

Vào ngày 23/10/2012, bé Trần Anh Đức (khi đó 21 tháng, ngụ phường Cam Nghĩa, TP Cam Ranh - Khánh Hòa) được gia đình đưa đến bệnh viện Đa khoa khu vực Cam Ranh với chẩn đoán thoát vị bẹn và được phẫu thuật vào trưa 25/10.

Sau phẫu thuật, bụng bé Đức trướng, không tiểu được nên chiều 26/10, được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa để phẫu thuật mổ cấp cứu, xác định thay vì mổ thoát vị bẹn, bé đã bị bác sĩ cắt nhầm bàng quang. 3 ngày sau bé được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM để tiếp tục điều trị.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa cho biết sai sót của ê-kíp phẫu thuật bệnh viện tuyến dưới đã làm tổn thương nặng bàng quang và việc phẫu thuật lần 2 chỉ giải quyết tình trạng nguy kịch nên phải đưa bệnh nhi này vào TP.HCM để tiếp tục điều trị.

Hội đồng Y khoa kết luận kíp mổ đã có sai sót trong việc thực hiện ca mổ cho cháu bé. Hai bác sĩ Trần Ngọc Nghĩa và Phạm Văn Toàn thực hiện ca mổ bị kiểm điểm về chuyên môn. Bệnh viện Đa khoa khu vực Cam Ranh (Khánh Hòa) trao cho gia đình cháu một sổ tiết kiệm 230 triệu đồng, 30 triệu đồng hỗ trợ gia đình chuyển cháu vào chữa trị tại TP.HCM.

Sáng 6/5/2015, bé Trần Anh Đức, đã được mổ tái tạo bàng quang tại Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 2.

Bác sĩ cắt hết thận vì nghĩ thận trái là... thận đôi

Vì bác sĩ chẩn đoán hình ảnh chưa nhận định được thận hình móng ngựa, phẫu thuật viên cũng vậy nên trong lúc mổ đã cắt hết thận (nghĩ thận trái là thận đôi, còn thận phải) của bà Hứa Cẩm Tú (ngụ thị trấn Thới Lai, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ).

Vào ngày 1/12/2011 bà Tú được đưa đến Bệnh viện Đa Khoa TP Cần Thơ để khám bệnh. Theo kết quả chụp CT, thận phải của bà tốt, thận trái ứ nước độ III-IV, có sạn buộc phải mổ. Ngày 6/12/2011, bà Tú được chỉ định mổ nội soi thận trái ứ nước. Sau ca phẫu thuật, do bị biến chứng phù nề, tình trạng sức khỏe xấu đi nên bà đi siêu âm kiểm tra. Lúc này, bà mới biết mình đã bị bác sĩ cắt bỏ 2 quả thận. Bà Tú phản ánh thì được bệnh viện trả lời là do bất khả kháng, đồng thời hứa sẽ hỗ trợ chạy thận miễn phí suốt đời và hoàn trả viện phí.

Sau đó, bà Tú được chuyển ra Bệnh viện Trung ương Huế để tiếp tục điều trị và phẫu thuật ghép thận. Trong thời gian điều trị ghép thận tại Huế, hằng tháng, bà được BV Đa khoa TP Cần Thơ hỗ trợ 6 triệu đồng.

Tuy nhiên, từ ngày 5/9/2012, Bệnh viện giảm khoản trợ cấp xuống còn 3 triệu đồng/tháng. Đến ngày 24/5/2013, Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ đột ngột thông báo không tiếp tục trợ cấp tiền cho bà Tú. Do bệnh viện và những cá nhân có liên quan không bồi thường nên năm 2013 bà Tú đã khởi kiện nhưng đến nay, do phía bệnh viện, bác sĩ phẫu thuật chính thiếu thiện chí hợp tác, chậm cung cấp hồ sơ bệnh án mà vụ việc vẫn chưa đi đến hồi kết.

(Theo Ngày nay)