Nhiều sự kiện đặc biệt năm 2015: cuộc vận động đổi mới hướng tới sự hài lòng của người bệnh, xuất khẩu vắc xin made in Vietnam. BS Việt đầu tiên ghép tim nhân tạo thành công. Chính khách đầu tiên đăng ký hiến tạng. Thừa nhận quyền chuyển đổi giới tính, cho phép mang thai hộ.

Ngành Y đổi mới hướng tới sự hài lòng của người bệnh

Năm 2015, Bộ Y tế đã để lại dấu ấn quan trọng trong đổi mới từ quan điểm đến hành động của ngành. Đó là cuộc vận động Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng người bệnh, đang sôi sục trong các bệnh viện.

{keywords}
Cán bộ y bác sĩ tập trung cứu chữa bệnh nhân trong vụ tai nạn sập giàn giáo Fomosa Hà Tĩnh. Ảnh: VietNamNet

Đầu tháng 6/2015 Bộ trưởng Bộ Y tế ký ban hành Kế hoạch đổi mới phong cách, thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Giữa tháng 7, lần đầu tiên dư luận chứng kiến 4 bệnh viện lớn ký cam kết đổi mới phong cách, thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Cuối 2015, đã có 18 cơ sở y tế ký cam kết đổi mới; dự kiến đầu 2016, 100% cơ sở trực thuộc Bộ Y tế ký cam kết này

Lần đầu tiên tư lệnh ngành y tế cùng các thầy thuốc đặt bút ký cam kết bằng cả danh dự và uy tín của mình. Cán bộ y tế ký cam kết với trưởng khoa, phòng; trưởng khoa, phòng cam kết với giám đốc bệnh viện; người đứng đầu bệnh viện ký cam kết với lãnh đạo Bộ Y tế, Công đoàn y tế.

Có thể nói, việc ký cam kết là áp lực, nhưng cũng là động lực để mỗi cán bộ y tế phải sáng tạo, thay đổi tư duy, hướng tới sự hài lòng của người bệnh nhiều hơn.

Quốc hội thừa nhận quyền chuyển đổi giới tính

Ngày 24/1/2015, với 399 trong tổng số 446 đại biểu tán thành (chiếm trên 80%), Quốc hội Việt Nam đã chính thức thừa nhận quyền chuyển đổi giới tính và Bộ luật Dân sự (sửa đổi) sẽ chính thức có hiệu lực thi hành từ 1/1/2017.

Việc sửa đổi này cho phép thực hiện các phẫu thuật chuyển giới ngay tại Việt Nam. Quyết định này ngay lập tức nhận được sự ủng hộ của cộng đồng nhất là những người chuyển giới. Hiện có 61 quốc gia hợp pháp hóa việc chuyển đổi giới tính. Việt Nam là quốc gia thứ 62 trên thế giới, thứ 11 tại châu Á cho phép việc thay đổi giới tính trên giấy tờ nhân thân.

Cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo

Từ ngày 01/01/2015, việc mang thai hộ sẽ chính thức được pháp luật thừa nhận. Việc mang thai hộ phải được thực hiện trên cơ sở tự nguyện của các bên, được lập thành văn bản có công chứng và không được trái với các quy định trong pháp luật về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.

Tháng 6/2015, bệnh viện Từ Dũ, TP.HCM đã cấy phôi cho trường hợp mang thai hộ đầu tiên. Đến tháng 9/2015, tiếp tục có 2 ca mang thai hộ thành công khác ở TP.HCM. Trong đó, một trường hợp đang mang thai 7 tuần tuổi, siêu âm có tim thai và xác định là song thai. Trường hợp thứ hai có thai được 5 tuần tuổi.

Chính khách đầu tiên đăng kí hiến tạng

Ngày 27/10/2015, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết bà đã đăng ký hiến tạng từ năm 2013 và kêu gọi mọi người dân cùng hưởng ứng tham gia.

{keywords}
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến

Tư lệnh ngành Y tế là chính khách đầu tiên tại Việt Nam đăng ký hiến mô, tạng. Người đứng đầu ngành Y tế chia sẻ đây chính là cách để bà tiếp tục 'sống" sau khi qua đời.

Trả lời phỏng vấn riêng VietNamNet, Bộ trưởng hy vọng thời gian tới sẽ có thêm nhiều chính khách khác cùng đăng ký hiến mô, tạng để tạo ra tính lan tỏa trong toàn xã hội.

Vinh danh người Việt đầu tiên ghép thành công tim nhân tạo

Tháng 11/2015, GS. Bùi Đức Phú - Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế - được vinh danh là người Việt Nam đầu tiên ghép thành công tim nhân tạo tại lễ trao giải Global Award 2015.

Giáo sư Bùi Đức Phú là một trong những người tiên phong đặt nền tảng cho lĩnh vực tim mạch tại Việt Nam. Năm 2012, lần đầu tiên vị giáo sư sinh năm 1956 đã thực hiện thành công việc thay tim từ một thi thể người chết cho một bệnh nhân tim. Bệnh nhân đó đến nay vẫn sống khỏe mạnh.

Ngày 6/6/2014, ông là người chỉ huy ghép thành công tim nhân tạo đầu tiên cả nước cho bệnh nhân chờ ghép tim 39 tuổi.

Việt Nam xuất khẩu vắc-xin ra nước ngoài

Theo thông tin từ Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, đến tháng 6/2015, Việt Nam đang xuất khẩu được 4 loại vắc xin đi 4 nước, bao gồm: Vắc xin sởi sang Malaysia, vắc xin ngừa viêm gan B sang Hàn Quốc, vắc xin tả sang Đông Timor và vắc xin ngừa viêm gan C sang Phillipines.

Hệ thống quản lý quốc gia về vắc xin của Việt Nam cũng đã được WHO công nhận đạt tiêu chuẩn quốc tế (NRA). Với chứng chỉ NRA, đồng nghĩa các vắc xin sản xuất tại Việt Nam có đủ điều kiện để tiền thẩm định trước khi xuất khẩu. Để đạt được chứng chỉ NRA này, Việt Nam đã mất 14 năm chuẩn bị với 2 năm tăng tốc.

Để phát triển ngành công nghiệp vắc xin, thời gian tới, thay vì chỉ phục vụ thị trường nội địa với khoảng 1,7 triệu trẻ em mới sinh hàng năm, Bộ Y tế sẽ mở rộng xuất khẩu sang các nước châu Á, tiến đến mục tiêu xuất khẩu toàn bộ 10 loại vắc xin Việt Nam đang sản xuất.

D.Minh (tổng hợp)