Kết quả kiểm tra ATTP đối với sản phẩm rau, củ, quả Trung Quốc tại thị trường Nghệ An phát hiện rau cải có hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) tồn dư gấp 8 lần mức cho phép.

Đáng lo là khắp các thị trường từ nông thôn tới thành thị, các mặt hàng rau, củ quả Trung Quốc vẫn đang áp đảo.

{keywords}

Rau, quả Trung Quốc từ lâu đã chiếm lĩnh thị trường Việt dù luôn tiềm ẩn nguy cơ mất ATTP

5/6 mẫu rau quả Trung Quốc tồn dư thuốc

Đại diện Sở NN&PTNT Nghệ An cho biết, thành phố Vinh đã thành lập đoàn liên ngành do lực lượng Cảnh sát Môi trường và Cảnh sát Kinh tế (Công an tỉnh Nghệ An) chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng như Y tế, NN&PTNT tổ chức đợt kiểm tra các mặt hàng thực phẩm, rau củ quả tại các chợ và các siêu thị.

Theo đó, vào ngày 4-6, tại chợ đầu mối nông sản TP Vinh, lực lượng liên ngành đã lấy 6 mẫu rau, củ, quả để thử nghiệm. Sau quá trình kiểm tra, trong 6 mặt hàng gồm rau cải, táo Trung Quốc, hành và các loại tỏi, có tới 5 mẫu tồn dư các loại thuốc bảo quản hoặc thuốc BVTV vượt ngưỡng cho phép. Lực lượng chức năng đã lập biên bản tạm giữ đối với các mặt hàng rau củ quả này.

Kết quả phân tích, giám định tại Trung tâm chất lượng nông lâm thủy sản vùng 1 thuộc Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho thấy, riêng mẫu rau cải có hoạt chất Cypermethrin (một hoạt chất dùng phòng trừ sâu trên cây trồng) là 0,79 mg/kg, cao gấp 8 lần mức cho phép. Đây là một hoạt chất được ngành nông nghiệp xếp vào nhóm độc II, do vậy Bộ NN&PTNT từ năm 2012 đã cấm sử dụng các loại thuốc có hoạt chất này trong nuôi trồng thủy sản. Đồng thời, Cục BVTV cũng khuyến cáo không sử dụng các loại thuốc có hoạt chất này trong sản xuất rau quả an toàn.

Cũng theo Sở NN&PTNT Nghệ An, nông sản Trung Quốc từ khá lâu đã chiếm lĩnh thị trường Nghệ An, đặc biệt là mặt hàng hành và tỏi khô. Đối với rau xanh, lượng nhập ít hơn vì Nghệ An cũng là nơi sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn. Tuy nhiên rau xanh sản xuất theo mùa vụ, thời điểm này các loại rau cải đều không trồng được ở trên địa bàn tỉnh do nền nhiệt độ cao.

Khó kiểm soát, người tiêu dùng lĩnh đủ

Bà Nguyễn Thị Hà, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng VII Lạng Sơn cho biết, các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn chủ yếu là nhập khẩu hành và tỏi khô từ Trung Quốc, còn rau và quả tươi chủ yếu nhập qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Theo đó, trong năm 2015, các cửa khẩu trên địa bàn Lạng Sơn đã nhập về 2.573 lô tỏi, khối lượng 86.931 tấn; hành củ nhập 989 lô, khối lượng 30.611 tấn; hành tây 2.067 lô, khối lượng 74.659 tấn; khoai tây 908 lô, khối lượng 34.329 tấn. Trong những tháng đầu năm 2016, trung bình mỗi ngày nhập khoảng 150 tấn tỏi, 50 tấn hành củ, 80 tấn hành tây và 50 tấn khoai tây. Mùa vụ nhập khẩu chủ yếu các loại nông sản này là tháng 5, 6 và tháng 7 hàng năm.

Nghệ An không phải là địa phương đầu tiên phát hiện rau cải có nguồn gốc từ Trung Quốc tồn dư lượng thuốc BVTV quá mức cho phép. Trước đó, hàng loạt các địa phương như Hà Nội, TP.HCM… qua kiểm tra cũng đã phát hiện nhiều mặt hàng nông sản của Trung Quốc mất an toàn như chanh, cà chua, lê, cải thảo… Mặc dù phía Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết quy chế an toàn khi xuất khẩu nông sản, nhưng quy chế này vẫn nặng về hình thức, do cơ chế, hàng rào kỹ thuật trong nước còn bất cập, nhiều tồn tại nên chưa thể thực thi chặt chẽ.

Đáng nói, trong suốt một thời gian dài, việc kiểm soát ATTP tại các cửa khẩu đều bằng cảm quan. “Mặt hàng rau, củ quả đều thuộc diện hàng ưu tiên nên cán bộ chỉ kiểm tra bằng cảm quan và cho thông quan. Đặc biệt, một lượng không nhỏ còn được vận chuyển qua các con đường tiểu ngạch nên việc kiểm soát ATTP ngay từ gốc là khá khó khăn”, một cán bộ kiểm dịch cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn cho biết.

Theo đó, với các lô hàng nông sản, lực lượng chức năng phần lớn chỉ lấy mẫu kiểm tra đột xuất, nhưng cũng chỉ là kiểm tra nhanh. Theo Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng VII Lạng Sơn, muốn kiểm tra sâu (các chỉ tiêu về ATTP như thuốc bảo quản, thuốc BVTV) thì phải gửi về các trung tâm ở Hà Nội. Sau 3-5 ngày mới có kết quả phân tích thì các lô hàng rau, củ quả đã tiêu thụ hết. Đặc biệt, do việc kiểm soát lưu thông trong nước chưa chặt chẽ, hàng hóa từ cửa khẩu về rồi phân phối tự do nên cũng không thể thu hồi được lô hàng nếu có vấn đề.

(Theo ANTĐ)