“Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) TP.HCM đã kiểm định nhưng chưa phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trong trái cây nhập khẩu từ Thái Lan.

Trước thông tin trái cây nước này chứa dư lượng thuốc BVTV vượt mức cho phép, Chi cục BVTV TP.HCM sẽ tăng cường tần suất kiểm tra để kịp thời cảnh báo người tiêu dùng”. 

Bà Nguyễn Thị Lệ Thoa, Trưởng phòng Quản lý an toàn thực phẩm, Chi cục BVTV TP.HCM, cung cấp thông tin như trên.

{keywords}

Theo ông Lê Hoàng Phong, Phó Trưởng phòng Kinh doanh chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn, mỗi ngày chợ này nhập khoảng 2.400 tấn trái cây các loại. 

Trong đó, đa phần là trái cây trồng trong nước, 5% trái cây nhập khẩu từ các nước Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Hàn Quốc… 

“Riêng trái cây Thái Lan có măng cụt, bòn bon, me nhưng số lượng rất ít. Me Thái mỗi ngày tiêu thụ không tới 100 kg nhưng rất chậm. Còn bòn bon và măng cụt mỗi loại khoảng 1 tấn/ngày. 

Tuy nhiên, hiện chưa vào mùa nên bòn bon và măng cụt Thái Lan chưa vào chợ đầu mối Hóc Môn hoặc có vào thì số lượng không đáng kể. 

Ban quản lý chợ nhiều lần phối hợp Chi cục BVTV TP.HCM kiểm định nhưng chưa phát hiện dư lượng thuốc BVTV trong trái cây Thái Lan” - ông Phong nói.

Đối với chợ đầu mối Bình Điền, ông Nguyễn Đăng Phú, Phó Giám đốc Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ này, cho biết mỗi ngày chợ nhập 250-300 tấn trái cây các loại. Trong đó hơn 90% trái cây có nguồn gốc từ các tỉnh miền Tây, số còn lại là nhập khẩu. 

“Trái cây Thái Lan hiện có bòn bon, sapoche nhưng số lượng cả hai loại mỗi ngày độ chừng 1-2 tấn. Từ mùng 5-5 âm lịch trở đi thì trái cây Thái Lan mới nhiều vì khi đó bắt đầu vào mùa. Kết quả kiểm định cũng chưa phát hiện tồn dư thuốc BVTV trong trái cây Thái” - ông Phú cho biết.

Tương tự, ông Nguyễn Nhu, Phó Giám đốc Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh chợ nông sản đầu mối Thủ Đức, cho biết kết quả phân tích măng cụt, bòn bon, me Thái kinh doanh tại chợ cũng chưa ghi nhận hiện tượng bất thường.

Trước đó, Hệ thống Cảnh báo thuốc trừ sâu Thái Lan (Thai-PAN) công bố hơn 57% rau quả các loại của Thái Lan đã được Văn phòng Quốc gia về sản phẩm nông nghiệp và tiêu chuẩn thực phẩm dán nhãn ‘Q’ công nhận đạt chất lượng nhưng bị phát hiện chứa thuốc BVTV vượt mức an toàn. 

Cụ thể, 100% mẫu ớt đỏ chứa dư lượng thuốc BVTV vượt mức cho phép. Kế đến húng quế và đậu đũa (gần 67%), cải ngọt (gần 56%), cải thảo (trên 33%), rau muống (hơn 22%), cà chua và dưa leo (trên 11%). Riêng mẫu trái cây chứa tồn dư thuốc BVTV vượt mức gồm cam (100%), ổi (100%), thanh long (hơn 71%), đu đủ (gần 67%) và xoài Nam Dok Mai (trên 44%).

Được biết cả ba chợ đầu mối TP.HCM không kinh doanh rau Thái Lan, kể cả những loại trái cây chứa dư lượng thuốc BVTV kể trên.

Theo Plo