- Cách đây khoảng 2 tuần, trên một số báo lớn ở Việt Nam có đăng tải/dẫn lại một bài báo được cho là trích từ nước ngoài, có dẫn ý kiến của bác sỹ tại Harvard (ẩn danh) với thông điệp “muốn không bị loãng xương, hãy ngừng uống sữa".

Sau bài viết này, VietNamNet nhận được bài viết của BS Huynh Wynn Tran, MD (Tổ chức Y khoa VietMD.net, USA), phân tích và giải đáp câu hỏi: Sữa có thực sự gây loãng xương không như bài viết kia đã đề cập hay không? Ngoài ra, BS Huynh Wynn Tran cũng mang tới những thông tin khoa học hữu ích giúp bảo vệ sức khỏe của xương

Vai trò của canxi trong sữa đối với xương

có nhiều ý kiến hỏi tôi về tính xác thực của thông tin và bài viết trên.Trước tiên cần khẳng định rằng “sữa và loãng xương” là một chủ đề gây tranh cãi trong nhiều năm qua và đến bây giờ vẫn chưa có hồi kết.

{keywords}
Sữa và loãng xương là chủ đề gây tranh cãi nhiều năm nay

Vậy loãng xương là gì? Xương của chúng ta luôn hoạt động. Mỗi ngày, cơ thể chúng ta hủy đi xương cũ và tạo ra xương mới vào đúng vị trí. Khi chúng ta càng lớn tuổi, lượng xương bị phá hủy nhiều hơn lượng xương được tạo ra để thay thế. Khi đó chúng ta có thể mất quá nhiều lượng xương và mắc chứng loãng xương.

Sức khoẻ của xương phụ thuộc vào 2 thành phần dinh dưỡng chính là canxi và vitamin D. Khoảng 99% canxi trong cơ thể người được lưu giữ trong xương, răng và canxi là một thành phần chính trong cấu trúc xương. Vitamin D quan trọng trong việc phát triển và duy trì sức khoẻ của xương.

Tầm quan trọng của dinh dưỡng với sức khoẻ của xương đã được chứng minh qua nhiều nghiêu cứu khoa học. Tăng thêm canxi (dạng viên uống hay sữa) vào thành phần dinh dưỡng sẽ làm tăng lượng xương. Ước tính tăng 10% lượng xương có thể giảm rủi ro gãy xương do loãng xương đến 50%.

Vì vậy, các nhà khoa học khuyến cáo thêm canxi và Vitamin D trong chế độ dinh dưỡng nhằm bảo vệ sức khoẻ xương.

Sữa bò là một nguồn dinh dưỡng tốt và dễ dàng cung cấp canxi và Vitamin D. Ngoài ra, có nhiều nguồn dinh dưỡng khác cũng cung cấp canxi và Vitamin D ngoài sữa bò. Vì vậy, không ngạc nhiên khi nhiều người đánh đồng uống sữa là tăng sức khoẻ xương.

Tại sao cho rằng sữa gây loãng xương?

Vậy thì tại sao có ý kiến cho rằng sữa lại gây loãng xương như bài viết của vị tác giả ẩn danh đề cập đến các BS Harvard?

Câu chuyện bắt đầu từ lý thuyết Acid-Base cân bằng. Sữa gây ra Acid hoá cơ thể, vì vậy sữa làm mất canxi (thay vì cung cấp canxi cho cơ thể).

Trong sữa có nhiều sản phẩm protein dễ tạo ra acid hoá. Canxi là một chất trung hoà acid. Nhiều protein có thể khiến canxi mất đi từ xương do phải trung hoà lượng acid dư trong cơ thể, việc này dẫn đến loãng xương do mất canxi.

Trong lý thuyết, các nhà nghiên cứu cho rằng cơ thể bị acid hoá thông qua đo lường pH trong nước tiểu. Tuy nhiên, Fenton và các cộng sự năm 2011 cho thấy không có bất kỳ bằng chứng khoa học nào hỗ trợ lý giải này.

Nghiên cứu của Fenton đặt dấu chấm hết cho lý thuyết Acid-Base cân bằng và sữa gây loãng xương. Tuy nhiên, lý thuyết Acid-Base này cũng khiến các nhà khoa học cẩn thận hơn trong việc khuyết khích uống sữa như nguồn cung cấp canxi.

Thay vào đó, họ khuyên uống sữa có hàm lượng chất béo thấp và dùng nhiều nguồn dinh dưỡng đa dạng khác nhau để cung cấp canxi.

Uống sữa nhiều có thật sự tốt?

Vậy uống sữa nhiều có thật sự tốt?

Không hẳn là vậy. Một nghiên cứu khác năm 2014 tại Thuỵ Điển cho thấy nếu uống nhiều hơn 3 ly sữa một ngày có thể tăng rủi ro về bệnh tim mạch, ưng thu, và tử vong.

Nghiên cứu này cũng bị chỉ trích vì không đủ bằng chứng thuyết phục nhưng rõ ràng uống quá nhiều sữa là không tốt.

Tóm lại, sữa không gây loãng xương như tin đồn nhưng uống quá nhiều sữa sẽ không tốt cho sức khoẻ. Có nhiều nguồn dinh dưỡng giàu canxi chứ không riêng sữa bò. Nếu dùng sữa thì nên chọn hàm lượng chất béo thấp.

4 cách cải thiện sức khỏe của xương:

Viện sức khoẻ quốc gia Hoa Kỳ khuyến cáo các bước cải thiện sức khoẻ xương:

1. Chế độ ăn cân bằng giàu canxi và Vitamin D (bao gồm sữa có hàm lượng chất béo thấp và thức uống bổ sung canxi).

2. Tăng cường hoạt động thế chất (như tập thể dục).

3. Sống lành mạnh không hút thuốc.

4. Khám bác sỹ thường xuyên.

BS Huynh Wynn Tran, MD (Tổ chức Y khoa VietMD.net, USA)