Theo báo cáo của các cơ quan chuyên môn, hiện VN tiếp tục mất cân bằng giới tính khi sinh và dự báo sẽ để lại nhiều hệ lụy.

Theo báo cáo thống kê của Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), sau 1 năm thực hiện đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, giai đoạn 2016-2020, tỷ số giới tính khi sinh của VN thay đổi không đáng kể: từ 112,8 trẻ trai/100 trẻ gái (năm 2015) còn 112,2/100 (theo điều tra biến động dân số 2016).

{keywords}
 Hiện VN tiếp tục mất cân bằng giới tính khi sinh và dự báo sẽ để lại nhiều hệ lụy

Trong khi đó, tỷ số giới tính khi sinh của VN năm 2013: 113,8 trẻ trai/100 trẻ gái, năm 2014: 111,2/100. Điều này cho thấy tỷ số sinh của VN hiện nay còn cao hơn năm 2014, mặc dù đã triển khai thực hiện đề án trên.

Có những nơi lên đến 120 trẻ trai/100 trẻ gái

Thống kê chuyên ngành dân số cũng cho biết 18 tỉnh, thành hiện có tỷ số giới tính khi sinh giảm so với năm 2015, nhưng vẫn còn 45 tỉnh, thành có tỷ số này tăng và ở mức cao đáng báo động (từ 115 trẻ trai/100 trẻ gái).

Trong đó, 10 tỉnh có tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh cao nhất gồm: Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Nam Định, Hòa Bình, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Quảng Ngãi.

Trong số này, có địa phương tỷ số giới tính khi sinh lên đến 120 trẻ trai/100 trẻ gái. Theo Chi cục DS-KHHGĐ Hà Nội, mặc dù đã triển khai nhiều hoạt động giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, nhưng tỷ số giới tính khi sinh của Hà Nội đang ở mức cao hơn mức trung bình của cả nước-với 114 trẻ trai/100 trẻ gái. Ở một số quận, huyện, con số này đã lên đến 120 trẻ trai/100 trẻ gái.

Theo thống kê của Vụ Thống kê dân số và lao động (Tổng cục Thống kê), đồng bằng sông Hồng vẫn là vùng có tỷ số giới tính khi sinh cao “bền vững” và là vùng cao nhất cả nước. 

Tỷ số này tăng liên tục trong 5 năm qua, từ 115,3 trẻ trai/100 trẻ gái (năm 2009) tăng lên 118 trẻ trai/100 trẻ gái (năm 2014). Cùng thời gian trên, tại Đông Nam bộ tỷ số này lại giảm nhẹ, từ 109,9 trẻ trai/100 trẻ gái xuống 108,9 trẻ trai/100 trẻ gái.

Ông Nguyễn Văn Tân, Phó tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế), cho biết vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh ở VN xuất hiện từ đầu thế kỷ 21. Từ năm 2006, tỷ số giới tính khi sinh ở nước ta chỉ là 109,8 trẻ trai/100 trẻ gái.

Đến 2050 VN dư 2,3 - 4 triệu nam giới?

Theo ông Tân, mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ dẫn đến tình trạng “thừa nam, thiếu nữ” trong tương lai, làm biến đổi chỉ số nhân khẩu học, tác động đến cuộc sống của cá nhân, gia đình và toàn xã hội. Việc lựa chọn giới tính thai nhi dẫn đến bỏ thai - sẽ ảnh hưởng sức khỏe, đường sinh sản của phụ nữ.

Đánh giá của chuyên gia thuộc Viện Khoa học giáo dục VN chỉ ra mất cân bằng giới tính đưa đến tình trạng thừa nam thiếu nữ đặc biệt nghiêm trọng ở độ tuổi kết hôn, nam giới khó lấy vợ, một bộ phận có thể kết hôn muộn, hoặc không thể kết hôn. 

{keywords}

Cần thay đổi quan niệm con trai, con gái

Tình trạng này cũng làm thay đổi cấu trúc dân số; tan vỡ cấu trúc gia đình cũng như nhiều hệ lụy khác: phụ nữ kết hôn sớm; tỷ lệ ly hôn, tái hôn của phụ nữ sẽ tăng cao; tăng bất bình đẳng giới. Thậm chí sẽ thiếu hụt lao động tại nhiều ngành nghề như: giáo viên mầm non và tiểu học, hộ lý, y tá nữ... 

Nguy cơ gia tăng tệ nạn mại dâm, buôn bán phụ nữ, trẻ em. Các chuyên gia dân số ước tính, nếu không can thiệp mất cân bằng giới tính khi sinh, đến 2050 VN sẽ dư 2,3 - 4 triệu nam giới.

Theo Quỹ dân số Liên Hiệp Quốc tại VN (UNFPA), tỷ số giới tính khi sinh ở mức bình thường dao động từ 102 - 106 bé trai/100 bé gái. Khi nhiều bé trai được sinh ra so với bé gái (cao hơn tỷ số bình thường) thì đó là dấu hiệu của lựa chọn giới tính. 

Tỷ lệ giới tính khi sinh cao hơn được quan sát thấy ở lần sinh thứ hai và thứ ba, trong đó có VN và Trung Quốc. Lựa chọn giới tính (thích trẻ nam) thường thấy nhiều hơn ở các hộ gia đình có học vấn, kinh tế khá giả so với các hộ nghèo hơn.

“Việc mong muốn có con trai đang tồn tại ngay trong những gia đình giàu có, học vấn cao, thành thị chứ không phải trong những vùng quê. Thậm chí, mất cân bằng giới tính khi sinh cao nhất trong nhóm các bà mẹ có học vấn cao nhất. 

Bởi cùng với tư tưởng mong con trai thì những người có học vấn cao cũng có kiến thức, điều kiện lựa sinh con trai “hiệu quả” hơn. Còn với nhóm nghèo và cận nghèo thì tỷ số giới tính khi sinh ở mức bình thường”, ông Nguyễn Văn Tân nói và khuyến cáo: 

“Các gia đình cần thay đổi quan niệm về con trai, con gái, đặc biệt là những gia đình, bà mẹ có học thức cao, có hiểu biết thì cần thay đổi quan niệm lạc hậu, cổ hủ về con trai, con gái, mà cần chú tâm chăm lo để con mình khỏe, là người tốt, có ích cho gia đình, xã hội”.

Theo Thanh niên