Theo các chuyên gia, cà phê trộn không đáng quan ngại như một số người vẫn nghĩ nếu sản phẩm này được sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm và hợp thị hiếu của người tiêu dùng.

{keywords}

Cà phê sau khi thu hoạch thường được phối trộn với ngũ cốc hoặc phụ gia thực phẩm

Nhiều phụ gia được phép sử dụng vào cà phê

Người tiêu dùng dễ dàng nhận ra trên thị trường cà phê hiện nay hầu hết là sản phẩm cà phê trộn mà nguyên liệu bao gồm cà phê hạt và đậu nành (hoặc ngô). Đồng thời, nhà sản xuất cũng đã bổ sung chất phụ gia để hoàn thiện chất lượng về màu sắc, mùi, vị và độ sánh đăc của sản phẩm. Ngay cả những cơ sở sản xuất quy mô lớn với thương hiệu có uy tín vẫn chủ trương phát triển dòng sản phẩm này.

Các chuyên gia cho rằng cà phê trộn không đáng quan ngại như một số người vẫn nghĩ nếu sản phẩm này được sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm, phù hợp thị hiếu của người tiêu dùng. 

Trong ngành sản xuất cà phê, để cải thiện về màu nước và vị đắng, người tađã sử dụng nhiều chất phụ gia thực phẩm được cho phép như đường kính hoặc chế phẩm caramen. Để cải thiện mùi thơm đặc trưng của cà phê, người ta dùng thêm rượu etylic, nước mắm ngon có nhiều axit amin, nhưng hiện nay phổ biến hơn cả là dùng chế phẩm hương cà phê tổng hợp. Để tạo vị đậm đà, nhà sản xuất thường do bổ sung một lượng muối ăn thích hợp hoặc một lượng chất ngọt tổng hợp để tạo ra vị đắng ngọt dễ chịu. Còn về độ sánh đặc của cà phê, cần sử dụng một số chế phẩm phụ gia tạo đặc.

Chia sẻ về vấn đề này, PGS. TS. Nguyễn Duy Thịnh - nguyên Giảng viên Viện Công nghệ Sinh học & Thực phẩm cũng khẳng định những chất phụ gia thực phẩm này hoàn toàn an toàn cho sức khỏe người dùng. “Tuy nhiên, các phụ gia này đều cần phải biết rõ nguồn gốc xuất xứ và nhất thiết phải được các cơ quan chức năng kiểm tra, cho phép nhập khẩu và khi sử dụng phải tuân thủ theo quy định của Bộ Y tế”, ông Thịnh nói thêm: “Việc sử dụng đậu nành rang để phối trộn vào cà phê cũng góp phần tạo cho tách cà phê sánh đăc hơn so với việc dùng 100% cà phê, đồng thời cũng tạo cho sản phẩm có hương vị hài hòa, dễ chịu. Đậu nành cũng đã được khoa học chứng minh là một loại thực phẩm có lợi cho sức khỏe vì thế việc sử dụng đậu nành làm nguyên liệu để sản xuất cà phê trộn được coi tốt hơn cả so với các loại nguyên liệu khác, vừa đảm bảo chất lượng cho sản phẩm và vừa an toàn cho sức khỏe của người tiêu dùng”

Người Nhât, Thụy Sỹ vẫn uống cà phê trộn đậu nành

Để lý giải cho việc cà phê trộn đậu nành ra đời và được đón nhận ở Nhật và Thụy Sỹ phải kể đến thời bấy giờ, cà phê nguyên chất thường có hàm lượng cafein cao nên làm nhiều người bị mất ngủ sau khi uống. Đậu nành rang cũng có vị đắng và màu nâu đen tương tự như cà phê, việc trộn thêm đậu nành rang vào cà phê làm giảm hàm lượng cafein trong tách cà phê, người uống vẫn cảm thấy dễ chịu và vẫn thỏa mãn được sự ham thích hương vị của cà phê nhưng không bị mất ngủ. Điều này dần dần đã hình thành một thói quen mới cho người tiêu dùng. Dòng sản phẩm “cà phê trộn đậu nành” được ra đời từ đấy. 

Những cơ sở sản xuất kinh doanh cà phê quy mô lớn thường dành kinh phí đáng kể để chủ động kiểm soát chất lượng nguyên liệu đầu vào, đặc biệt là kiểm soát các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm, đồng thời chủ động kiểm soát chất lượng trong suốt quá trình chế biến và kiểm soát chất lượng sản phẩm cuối cùng. Chinh vì thế, sản phẩm của các doanh nghiệp này thường có chất lượng cao hơn và ổn định hơn.

Để có được một ly cà phê chất lượng theo sở thích đồng thời đảm bảo sức khỏe cho chính mình, mỗi người tiêu dùng cần thận trọng trong việc lựa chọn sản phẩm. Cách tốt nhất là nên chọn những sản phẩm có bao bì, có nhãn hàng rõ ràng, đầy đủ thông tin, biết rõ nguồn gốc xuất xứ và được nhiều người tín nhiệm. Những cơ sở sản xuất kinh doanh quy mô lớn với thương hiệu có uy tín thường là địa chỉ tin cậy của người tiêu dùng. Còn lại, những sản phẩm trôi nổi trên thị trường đều là mối quan ngại của tất cả chúng ta.

Thu Hằng