- Khí công y đạo là phương pháp chữa bệnh bằng cách tập luyện khí công đơn giản, chú trọng đến sự quân bình khí hóa của lục phủ ngũ tạng.

Khí công y đạo là phương pháp chữa bệnh bằng cách tập luyện khí công đơn giản, chú trọng đến sự quân bình khí hóa của lục phủ ngũ tạng. VietNamNet giới thiệu bài tập cho người bị tiểu đường và huyết áp của thầy Đỗ Đức Ngọc, người sáng lập ra môn khí công tự chữa bệnh của người Việt Nam.

Các bài tập cho người bị tiểu đường và huyết áp chỉ nên thực hiện sau khi ăn từ 45-60 phút.

Bài 1: Cúi ngửa 4 nhịp

Hai chân đứng rộng bằng vai, hít vào, hai tay đưa lên quá đầu, mắt nhìn theo tay, thở ra cúi người hết cỡ, mắt nhìn qua hai chân ngược lên, hai tay đưa ra phía sau, mông chổng lên. Chú ý: làm sao gối và đùi ép được vào bụng.

Hít vào đưa hai tay lên quá đầu, thở ra về vị trí ban đầu (làm 40-50 lần)

Bài 2: Vặn mình 4 nhịp

Hai chân đứng rộng bằng vai, hít vào, hai tay đưa lên quá đầu, mắt nhìn theo tay, quay người sang trái, bước chân trái lên một chút, thở ra, cúi người xuống, bụng đè lên chân trái, hai tay đưa hết cỡ ra phía sau. 

Hít vào quay người về vị trí ban đầu, hai tay đưa lên quá đầu, thờ ra quay sang bên phải, bước chân phải lên một chút cúi xuống bùng đè lên đùi phải. Hít vào quay người về giữa đưa hai tay lên quá đầu... Tiếp tục quay sang trái làm tương tự (30-40 lần mỗi bên).

Bài 3: Vỗ tay 4 nhịp

Vỗ từ 7-10 phút, tốt nhất vừa vỗ, vừa hát: a di đà phật hoặc hát bài one two three.

Bài 4: Dịch cân kinh 4 nhịp

Bài tập có 4 động tác, vừa luyện ý, vừa luyện thần, điều chỉnh cho hai tay thuộc dương, hai chân thuộc âm lên xuống hòa hợp, khi lên cao là lên dương, các ngón tay phải chỉ xuống đất là âm, khi ngồi xuống thấp là âm, các ngón tay phải chỉ hướng lên trời là dương, theo nguyên tắc trong dương có âm, trong âm có dương, thuận theo quy luật khí hóa của trời đất, vừa bảo toàn năng lượng, vừa tạo ra một lực khí hóa tự động.

Nguyên tắc ở hai bàn tay của bài tập này là “âm thăng, dương giáng”, gồm 4 động tác sau:

Động tác 1- Hít vào

Hai cánh tay song song thân người, cuốn lưỡi, ngậm miệng, khí hít vào, hai cánh tay thẳng nâng lên phía trước mặt độ cao ngang bằng vai, các ngón tay chỉ xuống đất, bàn tay mềm, không được căng cứng, bàn tay đang ở vị thế âm thăng.

Cùng lúc hai gót chân cũng nhón lên cao hết mức, hai động tác tay chân làm cùng một lúc theo hơi thở vào, khi xong động tác thì vừa hết hơi thở vào, ý điều chỉnh tinh - khí - thần để giữ thăng bằng cho chân, nên khí huyết phải xuống theo giúp cho mạnh chân, gối, các ngón chân và móng chân từ từ đỏ hồng lên.

Động tác 2- Thở ra

Đổi chiều bàn tay các ngón tay hướng lên trời ở vị thế âm thành dương, lưng thẳng, vẫn nhón gót cao, khi thở ra từ từ ngồi xuống cho mông chạm gót, hai cánh tay tiếp tục hạ xuống kéo ra sau lưng, lúc đó mới hết một hơi thở ra, bàn tay lúc đó vẫn úp song song với mặt đất, các ngón tay hướng phía trước, bàn tay ở vị thế dương giáng.

Động tác 3- Hít vào

Đổi chiều bàn tay dương thành âm, gập bàn tay vào cổ tay, lúc đó lòng bàn tay hướng lên trời các ngón tay chỉ ra sau, bắt đầu hít vào từ từ, vẫn ngồi, kéo hai cánh tay ra trước nâng lên cao song song ngang tầm mắt, ngang bằng vai.

Khi tay dừng lại thì tiếp tục giữ lưng thẳng từ từ đứng thẳng lên, vẫn nhón gót cao, động tác tay và chân làm vừa xong mới xong hơi thở vào, bàn tay ở vị thế âm thăng như vị thế của tay ở động tác 1.

Động tác 4- Thở ra

Hai cánh tay đang ở song song trước mặt, ngón tay chỉ xuống đất, bây giờ đổi chiều bàn tay âm thành dương, lòng bàn tay hướng ra ngoài, ngón tay chỉ lên trời, bắt đầu thở ra từ từ cùng lúc hai cánh tay hạ xuống, gót chân hạ theo.

Tiếp tục kéo cánh tay ra tới sau lưng, lòng bàn tay lúc đó đang úp song song với mặt đất, các ngón chân nâng ngửa lên, tạo thế mất thăng bằng cho ý phải tập trung để điều chỉnh lập lại thăng bằng, lúc đó mới xong hơi thở ra, bàn tay ở vị thế dương giáng.

Các bài tập chữa huyết áp cao là để tăng cường và bảo vệ sự dao động của thần kinh được ổn định, huyết áp không bị xáo trộn và giúp mau hồi phục sự quân bình âm dương của tạng phủ để có khả năng tự điều chỉnh huyết áp trở lại bình thường nhanh chóng.

Thực hiện bài này tập 30 lần.

Bài 5: Nạp khí trung tiêu

Nằm ngửa, lưỡi cuốn vào trong vòm họng. Hai tay đặt tùy theo nhóm huyết áp của mình. Huyết áp cao thì 2 tay đặt xuống đan điền hạ (dưới rốn, khoảng cách bằng chiều ngang 3 ngón tay kể từ mép rốn), tay âm (đàn ông tay phải, đàn bà tay trái) phía dưới, tay kia phía trên.

Huyết áp thấp thì đặt hai tay ở mỏ ác, tay dương (đàn ông tay trái, phụ nữ tay phải) ở phía dưới, tay kia úp lên trên. Huyết áp bình thường thì tay dương ở mỏ ác, tay âm ở đan điền hạ. Giơ 2 chân 45 độ, hít thở bình thường, bụng phồng lên xẹp xuống.

Mỗi lần hít thở 1 phút, sau đó nghỉ chừng 1 phút nữa. Khi nào bụng hết hổn hển, phồng xẹp thì lại bắt đầu thực hiện tiếp theo. Cứ thế làm 5 lần x 1 phút. Đây gọi là giai đoạn NẠP KHÍ. Lưu ý giai đoạn này hoàn toàn hít thở bằng mũi.

Xả khí

Co từng đầu gối ép sát vào thân mình, lúc kéo ép gối vào, thổi ra bằng mồm. Lúc hạ chân xuống há mồm cho khí vào, lại kéo chân kia lên, ép sát vào, chúm môi thổi ra. Hai chân thay đổi liên tục cho tới khi đủ 200 lần.

Có 2 điểm cần nhớ trong công đoạn xả này: 

1/ Hoàn toàn hô hấp bằng mồm

2/ Lúc ép gối sát vào thân mình, bụng phải mềm thì mới mát xa được các cơ quan bên trong, nếu bụng gồng cứng thì không có tác dụng. Muốn bụng mềm, trước khi kéo đầu gối, chủ động hóp bụng xuống, thổi ra.

Khi kéo, đầu không nâng lên.

Để chữa tiểu đường: Thời gian đầu kéo 200 cái, sau đó nâng dần lên sau 1 tháng phải đạt 600-800 cái.

Bài tập nạp khí trung tiêu và xả khí còn hỗ trợ chữa được rất nhiều bệnh như: khớp gối, thận, u ổ bụng (dạ dày, gan...). Người đang điều trị khối u thì khi xả phải kéo từ 1.200-2.000 cái/ngày.

Chú ý: Trước khi tập, đo huyết áp và đường huyết. Sau khi tập, đo lại để xem kết quả luyện tập đến mức an toàn cho phép hay chưa. Nếu chưa đạt thì lại tập tiếp.

Xem thêm: Tin sức khỏe

Thùy Ninh