Chuyển mùa, nhất là từ mùa thu sang đông là điều kiện thuận lợi cho các bệnh về xương khớp xuất hiện, tái phát, trong đó bệnh đau nhức khớp thường xảy ra. 

Vì vậy, nên làm gì để phòng bệnh đau nhức khớp lúc chuyển mùa.

Đặc điểm của chứng đau nhức xương khớp

Thông thường, khi thời tiết chuyển mùa, nhất là mưa nhiều, lạnh, rét, người bị bệnh về xương khớp hay bị đau, nhức, tê buốt, cứng khớp đặc biệt là về đêm. 

Ở những người có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, thiếu quần áo ấm, chăn, đệm, nhà ở không kín gió, kèm theo ăn uống thiếu cả lượng và chất, bệnh đau nhức xương khớp càng hành hạ nhiều hơn, khổ cực hơn. 

Đau nhức, tê buốt các khớp xương có thể từ mức độ nhẹ cho đến các bệnh lý thực thể như viêm khớp dạng thấp hay viêm khớp do thoái hóa khớp hoặc bị cứng khớp. Một số trường hợp đau dây thần kinh liên sườn do thoái hóa cột sống lưng, nhầm tưởng là bệnh về tim mạch hoặc bệnh phổi làm cho người bệnh càng hoang mang, lo lắng, nhất là khi chuyển mùa thu sang đông (mưa, lạnh, rét, giá buốt...). 

Điều đáng nói là càng bị đau, nhức xương, khớp, người bệnh càng sợ cử động dẫn đến các khớp trở nên tê cứng, khó cử động, đặc biệt là khớp gối, khớp cổ tay, ngón tay...

{keywords}

Bổ sung các thực phẩm giàu canxi tốt cho xương khớp

Tại sao mùa lạnh, rét dễ bị đau nhức xương khớp?

Lý do đau nhức khớp vào mùa lạnh là do không khí lạnh thâm nhập vào cơ thể qua đường da bởi các lỗ chân lông, làm cho mạch máu tại các vùng da co lại, máu đến các khớp xương bị hạn chế hoặc rất ít nên thiếu máu nuôi dưỡng khớp, các màng hoạt dịch và sụn khớp bị kích thích, gây nên đau nhức. 

Vì vậy, vào mùa lạnh, rét nếu mặc không đủ ấm, nhà ở không kín gió để gió lùa, chăn, đệm không đủ ấm chứng đau nhức khớp xương càng dễ xảy ra, đặc biệt người có bệnh về khớp đã có tuổi, sức yếu. Ngoài ra, ở một số người bị loãng xương cũng gây nên đau nhức xương khớp hoặc ở người thừa cân, béo phì cũng tác động xấu đến các khớp chịu lực, khi bị lạnh, xương khớp càng bị đau nhức. 

Các hiện tượng đó nếu không được khắc phục dần dần sẽ dẫn đến khớp bị thoái hóa, nhất là khớp chịu lực nhiều như khớp cột sống thắt lưng, khớp gối, khớp cổ chân.

Điều trị như thế nào?

Khi bị đau nhức khớp, nhất là vào mùa lạnh, người bệnh nên đi khám bệnh, tốt nhất là khám chuyên khoa khớp để được xác định nguyên nhân (tổn thương thực thể, thoái hóa khớp hay chỉ là do viêm khớp phản ứng) để có chỉ định điều trị sớm. 

Không nên chủ quan, xem thường, không nên tự chẩn đoán bệnh cho mình (nếu không am hiểu về chuyên môn y học) và không nên tự mua thuốc để điều trị, đặc biệt lưu ý là không tự động dùng thuốc corticoid (prednisolon, dexamethason,...) hoặc thuốc không steroid (meloxicam, mobic...). 

Lý do là một số thuốc giảm đau, chống viêm có thể có những tác dụng không mong muốn. Ví dụ, với người có bệnh hen suyễn nếu dùng thuốc không steroid có thể làm cơn hen xuất hiện, đôi khi nguy hiểm đến tính mạng hoặc người đau nhức xương khớp kèm theo viêm loét dạ dày, tá tràng, nếu dùng thuốc cortison (prednosolon, methylprednosolon, solu-medrol...) hoặc aspirin có thể gây chảy máu dạ dày cấp nếu không phát hiện kịp thời và cấp cứu khẩn trương sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng.

Phòng bệnh có khó?

Về phòng bệnh, cần giữ ấm cơ thể. Để làm tốt điều đó, cần mặc đủ ấm, cổ quàng khăn ấm, tay đi găng, chân đi tất, đầu đội mũ ấm. Khi ra khỏi nhà cần mặc ấm hơn, không để cảm lạnh làm ảnh hưởng xấu đến xương khớp gây đau, nhức, tê, buốt. 

Khi có dấu hiệu nhức khớp, tê, mỏi xảy ra, nhất là khi ngủ dậy, ở vị trí nào, hãy làm nóng vùng xung quanh vị trí đó bằng cách cạo gió, xoa bóp dầu (dầu gió, dầu cao sao vàng...). Làm như vậy để cho các mạch máu giãn ra, vận chuyển máu được dễ dàng đến nuôi các khớp, giảm đau nhức khớp. 

Cần tắm, rửa hằng ngày bằng nước nóng, trong phòng kín gió, tắm xong cần lau khô người và mặc quần áo ngay để tránh cảm lạnh và làm đau nhức xương khớp.

Lời khuyên của thầy thuốc

Nên có chế độ dinh dưỡng hợp lý để duy trì cân nặng ở mức độ vừa phải, tránh béo phì, thừa cân và trong các bữa ăn cần đảm bảo đầy đủ các vi chất cần thiết. Hàng ngày nên vận động nhẹ nhàng để các khớp được vận động và xoa bóp các khớp gối, cổ chân, bàn tay, ngón tay, nhất là lúc sáng sớm vừa ngủ dậy. 

Cần bổ sung canxi và vitamin D theo đơn của bác sĩ khám bệnh và dùng các loại thực phẩm giàu canxi (tôm, cua, cá...).

Theo BS Việt Anh / SK&ĐS