- Bệnh sốt xuất huyết có diễn biến rất nguy hiểm mà nhiều người không ngờ tới. Sau đây là những thắc mắc thường gặp xung quanh căn bệnh sốt xuất huyết. 


Ai có thể bị sốt xuất huyết?

Người là ổ chứa virus chính. Ngoài ra người ta mới phát hiện ở Malaysia có loài khỉ sống ở các khu rừng nhiệt đới cũng mang virus Dengue.

Tất cả mọi người đều có thể bị sốt xuất huyết. Trẻ em dưới 15 tuổi có đến 70% mắc sốt xuất huyết. Trẻ dưới 12 tháng tuổi vẫn có thể bị sốt xuất huyết nặng. Phần trăm rất nhỏ là người lớn mắc bệnh sốt xuất huyết.

sot xuat huyet


Làm sao biết trẻ bị bệnh sốt xuất huyết?

Nếu trẻ bị sốt cao (39-40 độ C) từ 2 ngày trở lên, phải nghĩ ngay đến bệnh sốt xuất huyết và đưa đến cơ sở y tế để được khám và theo dõi. Khi cần, các bác sĩ sẽ cho các cháu thử máu để theo dõi diễn tiến của bệnh.

Trẻ đang theo dõi sốt xuất huyết có thể điều trị tại nhà không?

Trong 10 trường hợp bị sốt xuất huyết, chỉ một hoặc hai trường hợp trở nặng (có biến chứng) phải được nhập viện ngay và chữa trị tại bệnh viện. Các trường hợp còn lại được điều trị ngoại trú và tái khám theo dõi mỗi ngày tại cơ sở y tế cho đến hết ngày thứ 7 của bệnh. Khi trẻ hết sốt, thèm ăn, chạy chơi là an toàn.

Nên làm gì khi trẻ bị sốt xuất huyết?

Khi trẻ sốt cao, cho uống thuốc hạ sốt Paracetamol, lau mát bằng nước ấm để tránh biến chứng co giật. Không nên cạo gió, cắt lể vì những cách này gây đau, chảy máu, nhiễm trùng. Tuyệt đối không tự ý cho uống thuốc Aspirine, Ibuprofen vì có thể gây chảy máu dạ dày. Nên cho trẻ uống nhiều nước (cam, chanh, oresol, nước chín nguội), ăn thức ăn lỏng nhẹ, nằm nghỉ ngơi và theo dõi các dấu hiệu trở nặng của bệnh.

Cách theo dõi tại nhà như thế nào?

Phải theo dõi sát các cháu, không được lơ là. Thời điểm nguy hiểm nhất là khi trẻ hết sốt (thường từ ngày thứ 3 đến hết ngày thứ 6 của bệnh), trẻ có thể trở nặng và sốc, dẫn đến tử vong nhanh chóng nếu không được phát hiện kịp thời.

Các dấu hiệu trở nặng của bệnh sốt xuất huyết: Nôn nhiều, đau bụng, bứt rứt, lăn lộn, tay chân lạnh, tím, vã mồ hôi, chảy máu mũi, chảy máu chân răng, nôn ra máu, đi tiêu ra máu. Trẻ hết sốt nếu có một trong các dấu hiệu trên phải được đưa đến bệnh viện cấp cứu ngay.

Hiện có thuốc tiêm phòng sốt xuất huyết không?

Cho đến nay, vẫn chưa có vắc-xin phòng ngừa hiệu quả bệnh sốt xuất huyết. Các nghiên cứu về vắc-xin này vẫn còn ở giai đoạn thử nghiệm lâm sàng, phải nhiều năm nữa mới có thể phổ biến.

Bệnh sốt xuất huyết có thể lây trực tiếp từ người sang người không?

Bệnh sốt xuất huyết không lây trực tiếp từ người sang người. Trẻ bị lây bệnh là do bị muỗi vằn đốt (chích).

Làm thế nào để phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết?

Muỗi vằn đẻ trứng và trứng phát triển thành lăng quăng nơi nước trong. Do đó, phải tiêu diệt hết lăng quăng bằng cách dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, dẹp bỏ các nơi đọng nước như lu, máng, lon, hộp, gáo dừa, vỏ xe. Như vậy bệnh sốt xuất huyết mới không có cơ hội bùng phát.

Thái Thị Hậu